Những bà mẹ trinh nữ trong thế giới tự nhiên
Loài bọ que Extatosoma tiaratum đặc hữu ở Australia không phải lúc nào cũng cần giao phối với con đực. Ảnh: Alamy
Theo BBC, loài này sẽ giao phối với con đực khi tìm thấy bạn tình phù hợp, tuy nhiên, chúng cũng có thể tự sinh sản mà không cần nhờ tới con đực.
Trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí Hành vi Động vật hồi tháng 3/2015, các nhà khoa học đã tìm hiểu nguyên nhân đôi khi con cái sinh sản mà không cần con đực trợ giúp (trinh sản).
Nguyên nhân không phải do hiếm hoặc không có con đực - điều thường xảy ra ở động vật sinh sản đơn tính. Nhóm nghiên cứu cho rằng, tình dục sẽ khiến con cái hao tâm tổn sức, do đó, chúng thích tự sinh sản mà không cần con đực.
Con cái thậm chí còn đánh lại con đực. Ảnh: Wikipedia
Đầu tiên, chúng phát ra mùi hương chống kích thích tình dục để ngăn con đực bị quyến rũ. Nếu con đực vẫn kiên trì tấn công, nó sẽ cong bụng, giơ chân đá vào con đực.
"Những con cái bắt đầu quá trình sinh sản đơn tính không còn hấp dẫn con đực, do đó, những con cái này lại tiếp tục có cơ hội để tái sinh sản đơn tính", nhóm nghiên cứu cho biết.
Tuy nhiên, con đực "thường chiến thắng trong cuộc chiến đòi quyền giao phối, mặc cho con cái kháng cự". Điều đó giải thích sinh sản đơn tính rất hiếm, thậm chí hiếm khi xuất hiện ở những loài đầy đủ khả năng trinh sản. Ở những loài như thế, "con đực thường ép buộc con cái giao phối".
Con trăn cái này đã đẻ 6 con non khỏe mạnh mà không cần con đực. Ảnh: Kyle Shepherd.
Từ lâu, sinh sản đơn tính được ghi nhận ở một số loài rắn nuôi nhốt. Trong thời gian dài, các nhà khoa học cho rằng, con cái buộc phải trinh sản vì môi trường xung quanh không có con đực.
Quan điểm đó thay đổi vào năm 2012, khi Warren Booth, nhà nghiên cứu ở đại học Tulsa, Oklahoma, Mỹ phát hiện hai con rắn hổ mang hoang dã chào đời nhờ sinh sản đơn tính.
Đây là trường hợp trinh sản đầu tiên được ghi nhận ở rắn hoang dã. Ảnh: Kyle Shepherd.
Cùng năm đó, một nhóm nhà khoa học khác ghi nhận một ca trinh sản ở loài rắn lục hổ, nhưng lần này rắn con không sống sót. Con mẹ đẻ ra một con rắn chết lưu và bốn trứng chưa phát triển. Hai năm sau, con rắn mẹ này tiếp tục có một ca trinh sản đơn tính nữa.
Chúng ta không biết chắc lý do rắn con chết, nhưng qua việc này, chúng ta hiểu rằng đây không phải hình thức sinh sản lý tưởng, Mark Jordan, đại học Indiana ở Mỹ, tác giả chính của nghiên cứu nhận xét.
"Những con rắn này là bản sao một nửa của mẹ nó, tính lai cùng dòng cực cao", Jordan nói. "Khi trinh sản xảy ra, có rất nhiều nguy cơ tử vong hoặc chậm phát triển".
Tuy nhiên, cách sinh sản này là một đặc thù sinh học vốn có của rắn hổ lục. "Đó là cách chúng sử dụng trong những tình huống như không có con đực để giao phối, khi quần thể đang suy giảm hay khi chuyển đến môi trường sống mới". Nghiên cứu của Jordan được công bố trên tạp chí Bò sát hồi tháng 3/2015.
Ca trinh sản ở động vật có xương sống trong thế giới hoang dã được phát hiện lần đầu tiên trong năm nay. Ảnh: RD Grubbs
Trước đây, các nhà khoa học chưa từng ghi nhận ca trinh sản nào ở loài cá đao răng nhỏ Đại Tây Dương, tên khoa học là Pristis pectinata, đang được xếp vào nhóm động vật nguy cấp.
Giới khoa học từng ghi nhận hiện tượng trinh sản ở cá mập, một loài có họ với cá đao, nhưng chỉ là cá mập bị nuôi nhốt.
Trong tự nhiên, rất khó để biết được thời điểm diễn ra sinh sản đơn tính. Giới khoa học chỉ biết được nhờ xét nghiệm ADN.
7 con non khỏe mạnh đã được phát hiện theo cách này, nghiên cứu công bố trên tạp chí Current Biology (Sinh học Hiện đại) hồi tháng 6/2015. Ảnh: Alamy.
Các nhà khoa học tình cờ phát hiện ra điều này khi nghiên cứu nguyên nhân khiến quần thể cá đao đang sụt giảm qua tìm hiểu hệ gene của chúng.
"Lúc đó, chúng tôi đang tìm hiểu hệ gene của chúng bị biến dị thế nào", đồng tác giả nghiên cứu Kevin Feldheim, làm việc ở Bảo tàng lịch sử tự nhiên ở Chicago, Illinois, Mỹ, cho biết.
Những con cá đao con khỏe mạnh và chóng lớn, cho dù ra đời qua con đường trinh sản. Chúng ta không hiểu tại sao cá đao răng nhỏ cái lại chọn cách trinh sản. Nhưng đó có thể là chiến lược sống còn khi số lượng quần thể đang rất thấp.
"Nếu không thể tìm được con đực, cơ chế này có thể là nỗ lực cuối cùng của con cái để bảo tồn nòi giống", Feldheim nói.
Nhóm của ông lấy hơn 130 mẫu cá đao răng nhỏ tự nhiên. Họ đang phân tích tần suất sinh sản đơn tính của chúng.
Từ lâu, trinh sản được coi là hiện tượng phổ biến ở thằn lằn, vì chúng buộc phải làm vậy khi loài chỉ có con cái mà không có con đực.
Tuy nhiên, hóa ra câu chuyện không hề đơn giản như vậy. Một nghiên cứu công bố trên tạp chí Bò sát vào tháng 8 cho biết, có một loài bò sát những tưởng đều là cái, hóa ra lại có cả con đực.
8 con thằn lằn đực Muller được phát hiện trong 192 cá thể trưởng thành ở 34 địa điểm khác nhau tại Nam Mỹ. Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học phát hiện loài này có con đực, mặc dù chúng là loài rất phổ biến ở khu vực Trung Nam Mỹ.
Điều này cho thấy, có thể một số con thằn lằn Muller đã sinh sản hữu tính. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng, những con cái vô tính của loài Muller tuân thủ chặt chẽ "chính sách không đàn ông" của mình.
"Chúng tôi hy vọng con cái vô tính không vượt rào, giao phối với con đực; nhưng con cái bình thường thì có", Sergio Marques de Souza, tác giả chính của đề tài nghiên cứu, đại học Sao Paulo ở Brazil cho biết.
Bằng chứng về con đực ở loài Muller có thể cung cấp manh mối mới về cách thức loài này hình thành sinh sản vô tính.
Thằn lằn Muller có thể đã sinh sản vô tính, hoặc không, trong khoảng 4 triệu năm. Trước đây, các nhà khoa học cho rằng, thằn lằn Muller là dòng lai từ hai loài khác nhau. Khi hai loài giao phối và cho ra một loài mới, và con cháu của loài mới đều là cái.
Tuy nhiên, phát hiện mới về con đực cho thấy, lý thuyết trên có thể không chính xác. Sinh sản đơn tính có thể phát sinh một cách tự nhiên do áp lực môi trường, Souza nói.
Hồng Hạnh (theo BBC, Vnexpress)