Từ lâu đời, Y học cổ truyền đã sử dụng mật của một số loài động vật như mật gà, trâu, bò, lợn, rắn... để chữa bệnh. Chúng đều có điểm chung là có màu xanh và vị đắng, tuy nhiên có những loại hầu như không đắng như mật rắn, mật cá quả. Thành phần của mật gần giống nhau, đều chứa các acid cholic, acid ehydrocholic, cholesterol, muối mật, sắc tố mật bilirulin... và đều có tác dụng giảm đau, chống viêm, tiêu sưng, kháng khuẩn... Tuy nhiên, khi sử dụng cần lưu ý một số điểm sau để tránh những tai biến đáng tiếc.
Cần xác định đúng loại mật động vật cần lấy, tuyệt đối tránh những loại mật gây ngộ độc cho cơ thể như mật cá trắm vì sau khi uống vào có thể gây viêm thận cấp tính, dẫn đến bí tiểu tiện, đái ra máu... Nếu không cấp cứu kịp thời có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Trong thực tế, các phương tiện thông tin đại chúng đã cảnh báo rất nhiều, song hàng năm, vẫn có những ca bị ngộ độc những loại mật này.
Cần hết sức tránh nuốt nguyên cả cái mật, nhất là các loại mật lớn như mật lợn, mật chó... dễ bị tắc ở cổ họng, gây viêm nhiễm thực quản, thanh quản. Đôi khi không cấp cứu kịp thời sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng.
Mật động vật rất nhanh bị ôi thiu, nhiễm khuẩn. Do đó, khi đã lấy được mật rồi, phải kịp thời xử lý nhanh, đúng phương pháp: trước hết lấy dịch mật ra, lọc để loại sỏi, cặn (nếu có), cô cách thủy để giảm lượng nước hoặc cô thành cao đặc, rồi tiếp tục sấy ở nhiệt độ 60 - 70oC để được cao khô, tiện bảo quản. Nếu muốn có nguyên cả túi mật, để tránh bị ôi thiu, cần sấy ngay ở nhiệt độ bắt đầu từ 50 - 60oC, nâng dần lên 70 - 80oC, cho tới khi khô hoàn toàn. Không nên sấy ở nhiệt độ quá cao, sẽ bị cháy mật.
Đối với mật trâu, bò, sau khi lọc cần theo dõi để thu lấy sỏi “ngưu hoàng” nếu có. Đây là loại dược liệu rất quý để bào chế thuốc “An cung ngưu hoàng” dùng cho các bệnh thể đột quỵ như nhồi máu não.
Nếu dùng đúng cách, mật động vật có thể trị tốt một số bệnh sau:
Trị lòi dom do trung khí kém, nhu động ruột giảm, đại tiện thường táo kết lâu ngày gây lòi dom (thoát giang): hoàng kỳ, bạch truật, nhân sâm (đảng sâm), mỗi vị 12g; đương quy 8g; thăng ma, sài hồ, cam thảo, mỗi vị 6g; cam thảo 4g. Sắc uống, ngày 1 thang. Uống liền 1 - 2 tuần. Ngoài ra, có thể dùng dịch mật trăn với dầu vừng, đồng lượng, trộn đều để bôi vào chỗ dom bị sa xuống.
Trị đau dạ dày, viêm đại tràng, táo bón do gan tiết mật kém: lấy mật lợn, mật bò, mật trâu, lọc kỹ, cô cách thủy, thêm tá dược làm viên, ngày uống 2 - 3 lần, mỗi lần 0,5 - 1g, trước bữa ăn 1 - 1,5 giờ. Cũng có thể chế với mật ong theo tỷ lệ 1g mật động vật/50g mật ong, trộn đều, ngày uống 2 - 3 lần trước bữa ăn 1 - 1,5 giờ.
Trị ho, đặc biệt ho gà: lấy dịch mật gà, mật lợn hoặc mật rắn (có thể dùng 1 loại rắn, hoặc mật của 3 loại rắn phối hợp), lọc kỹ, trộn đều với bột mịn của các vị như bách bộ hoặc trần bì, hay xuyên bối mẫu, làm hoàn để trị ho, hen. Để trị hen suyễn có thể dùng mật mèo, nhất là mèo đen.