Con cóc và những vị thuốc
Đông Y đã sử dụng nhiều bộ phận của con cóc đề bào chế ra nhiều bài thuốc trị bệnh...
1. Nhựa cóc (Thiềm tô):
Tập trung ở 2 túi chứa nằm ở các bướu phía sau tai cóc. Lấy nhựa bằng cách rửa sạch vùng da, lau khô, kích thích tuyến sau tai cho tiết nhựa ra, hứng vào vật chứa bằng sành, sứ hoặc thủy tinh (nếu dùng vật chứa bằng sắt hoặc kim loại sẽ làm nhựa biến màu thành đen). Nhựa mới lấy có màu trắng đục, sau quánh dần rồi ngả màu nâu, có vị đắng, có thể gây nôn, nếu văng vào mắt sẽ có cảm giác cay, tê. Thiềm tô có tính độc (độc bảng A), qui kinh tâm.
Nhựa cóc có chứa cholesterol, acid ascorbic và các chất độc như bufogenin, bufotalin, bufotoxin, gammabufotoxin, vulgarobufotoxin,... Theo các sách Y học cổ truyền, nhựa cóc có tác dụng tiêu thũng giải độc, chỉ thống, khai khiếu, tiêu tích, cường tâm. Trong dân gian dùng nhựa cóc trị bệnh chó dại cắn(!), trẻ em suy dinh dưỡng, mụn nhọt, lợi răng sưng đau... Một bài thuốc Đông y kinh điển là Lục thần hoàn có tác dụng trị cảm sốt nặng, mê man, kinh giản, suy tim... có thành phần dược liệu bao gồm xạ hương, trân châu, băng phiến, nhựa cóc và ngưu hoàng. Ngoài ra, còn có khá nhiều đơn thuốc Đông y trong thành phần có chứa cóc, hầu hết đều xuất phát từ kinh nghiệm gia truyền. Các tác dụng điều trị bao gồm trẻ em cam tích, bụng ỏng, đít teo, hao gầy, chậm lớn (các triệu chứng của suy dinh dưỡng trẻ em). Tuy vậy, trong thành phần bài thuốc, hàm lượng cóc chỉ chiếm một lượng nhỏ bên cạnh nhiều vị thuốc có tác dụng kiện tỳ tiêu thực (theo Đông y) như mạch nha, sơn tra, thần khúc, hạt sen, hoài sơn,...
Chưa có một nghiên cứu khoa học về tác dụng của nhựa cóc trong y khoa tại Việt Nam, do đó việc sử dụng nhựa cóc trên người cần phải rất thận trọng vì chất độc Bufotoxin là một chất không thể bị hủy bởi nhiệt độ. Bệnh viện Nhi đồng I TPHCM đã từng ghi nhận nhiều trường hợp tử vong do ăn phải trứng cóc hoặc thịt cóc bị dính nhựa cóc trong quá trình chế biến. Tuy vậy, đã có nhiều nghiên cứu theo hướng Y học hiện đại được tiến hành tại Trung Quốc trong thời gian qua đã được ghi chép lại, xin lược ghi ra đây một số kết quả để bạn đọc tham khảo:
a. Tạp chí Trung y 1985:
Có thể điều trị các loại ung thư như ung thư gan, ung thư vú, ung thư bạch cầu (leucose), trị bệnh lao, các triệu chứng bệnh lý tim mạch như ngoại tâm thu, cơn đau thắt ngực... bằng dung dịch Hoa Thiềm tố (chất chiết xuất từ nhựa cóc) theo đường tiêm bắp hoặc truyền tĩnh mạch.
b. Các kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy:
Thuốc có tác dụng cường tim giống Digitalis nhưng không tích lũy, có tác dụng tăng huyết áp và hưng phấn trung khu hô hấp. Tác dụng hưng phấn trung khu hô hấp còn mạnh hơn lobelin và coramin, có thể đối kháng với các chất ức chế hô hấp như morphin và barbital. Thuốc có tác dụng giảm đau, nâng cao ngưỡng đau của cơ thể; gây tê cục bộ; kháng viêm, ức chế sự phát triển của nhiều loại tế bào ung thư và nhiều loại vi khuẩn như trực khuẩn mủ xanh, liên cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn... - Thuốc còn có tác dụng tăng bạch cầu, chống tác dụng của tia phóng xạ, chống ung thư invitro, tăng miễn dịch thể dịch và chống dị ứng trên chuột nhắt.
c. Các triệu chứng nhiễm độc bao gồm:
-Ở hệ tiêu hóa: nôn, buồn nôn liên tục, đau bụng, tiêu chảy mất nước.
- Tuần hoàn: tức ngực, hồi hộp, tim đập chậm, nhịp tim không đều, tay chân lạnh, hạ huyết áp, choáng.
- Thần kinh: đau đầu, tê môi, buồn ngủ, ra mồ hôi, giảm hoặc mất phản xạ gối, có thể co giật...
2. Thịt cóc (Thiềm nhục):
Từ lâu Đông y đã dùng thịt cóc để làm thuốc, chủ yếu trị suy dinh dưỡng trẻ em, hao gầy, chậm lớn... Đã có khá nhiều bài thuốc có thịt cóc như Viên cam cóc, Bột dinh dưỡng 0106, Thuốc cam Hàng Bạc, Bột cóc Baby... Một bài thuốc điển hình là Viên cam cóc gồm bột thịt cóc 100g, bột chuối tây 150g, bột lòng đỏ trứng gà 20g, tất cả trộn đều làm thành viên 4g, mỗi ngày uống 4 viên chia 2 lần với nước nóng.
Thịt cóc là nguồn bổ sung chất đạm rất tốt ở thôn quê, nhưng hiện chưa giải thích được tác dụng chống suy dinh dưỡng, vì so về thành phần dinh dưỡng, thịt cóc thua... xa một số động vật khác như thịt ếch, chuột đồng, chim sẻ... Bản thân thịt cóc không độc, nhưng trong quá trình chế biến người làm thịt cóc có thể bất cẩn để nhiễm chất độc Bufotoxin có trong da, gan và trứng cóc. Do đó khi làm thịt cóc nên chặt bỏ đầu ở vị trí phía dưới 2 u tuyến nhựa sau tai, bỏ bàn chân và toàn bộ phủ tạng cóc. Chú ý không để nhựa cóc văng vào mắt..
(Theo vietbao)