Ngàn lẻ một chuyện lạ về rắn

Theo tác phẩm” Snakes The Evolution Of Mystery In Nature “  của giáo sư Harry Greene (Hoa Kỳ) vừa xuất bản cho biết họ Rắn là động vật đã xuất hiện trên trái đất đồng thời với loài Khủng Long cách đây khoảng 90 triệu năm. Chúng có một vẻ đẹp đặc biệt và một đời sống rất hấp dẫn so với các loại thú khác trong thiên nhiên. Tuy Rắn không gần gũi và thân cận với con người như Trâu, Bò, Heo, Ngựa, Gà, Vịt, Dê …nhưng vẫn có sự liên hệ mật thiết, dù không được thân thiện.

            Ngoài ra Rắn cũng là một trong số những con vật gây chết chóc cho loài người nên tại một số dân tộc đã xếp nó vào hàng linh vật và thờ phụng cúng bái như một vị thần. Do đó trong dân gian đã truyền tụng ngàn lẻ một câu chuyện lạ về Rắn, và dĩ nhiên để tránh hiểm họa, Rắn vẫn bị người sát hại, bắt ăn thịt, dùng làm thuốc, hoặc huấn luyện để biểu diễn trong các đoàn xiệc.

 I-Những Đặc Tính Của Rắn: 

            Rắn là loài bò sát không chân, thân thể được bao bọc bởi một lớp vảy sừng nên không có tuyến da. Lưỡi Rắn rất đặc biệt, dài được phân làm hai thùy mảnh, cấu tạo với chức năng vừa xúc giác lẫn vị giác. Nhiều người khi thấy rắn bò luôn thè lưỡi ra ngoài thì tưởng Rắn phun nọc độc, thật ra Rắn thăm dò lối đi và định vị các con mồi trước mặt. Mắt Rắn trong suốt như mặt kính đồng hồ vì mi dưới gắn liền với mi trên, có một ma lực kinh khiếp với sự thôi miên làm chết cóng con mồi. Vì được cấu tạo đặc biệt, nên loài Rắn thường hoạt động săn mồi về đêm vì ban ngày mắt bị lóa bởi ánh sáng. Rắn sống từ 25 đến 30 năm.

            Rắn thích ứng mọi nơi ngoại trừ Nam và Bắc Cực. Đặc biệt tại tiểu bang Hạ Uy Di không bao giờ có Rắn. Hiện nay trên thế giới có khoảng 2700 loài Rắn độc hay không độc. Về hình dạng có thứ rắn roi ở Châu Phi chỉ bằng một cây bút chì, cho tới loài trăn khổng lồ Anacondas Nam Mỹ dài trên 9 mét, có thể nuốt một con người vào bụng dễ dàng.

            Thật sự loài Rắn hay Trăn rất sợ người, nó chỉ tấn công khi bị đạp hay bị đuổi đánh. Nọc của Rắn là loại cực độc, nhất là nọc độc của loài Rắn biển (Đẻn) hay Rắn mang kính (Rắn mang bành tại Úc và Ấn Độ), chỉ cần một lượng nhỏ đủ để giết 200.000 con chuột. Trong cuộc sống tình dục, Rắn cũng được cấu tạo rất đặc biệt vì con Rắn đực có cơ quan sinh dục đôi, đó là hai dương vật hình bán cầu, nằm gần đuôi phía dưới bụng. Vì thế Rắn có thể giao hợp liên tục suốt ngày đêm và có thể kéo dài lâu hơn. Riêng các con cái lại càng kỳ lạ hơn vì nó có thể cùng một lúc tiếp xúc với 6 con đực. Nó còn có thể tích trữ tinh trùng của các con đực trong cơ thể và chỉ cho thụ tinh khi khí hậu thuận tiện.

            Các giác quan của Rắn hết sức nhạy cảm, báo trước sự nguy hiểm sắp tới để giả chết, tự vệ hay chạy trốn. Bộ phận khứu giác nằm hai bên lưỡi có thể đánh hơi được một con chuột cách xa trên 3m, còn mũi thì thay mắt định vị trí con mồi trong lúc đó mắt chỉ để dành thôi miên con mồi trước khi tấn công.

            Nhưng kỳ công của tạo hóa dành cho loài Rắn có lẽ là bộ da và đây cũng là tai họa dẫn tới sự tiêu diệt ủa loài Rắn. Thật vậy da Rắn là một tác phẩm nghệ thuật của thiên nhiên, còn gì đẹp hơn da Rắn rung chuông tại Châu Phi khi được ánh sáng rọi vào sẽ phát ra vô số màu sắc lóng lánh. Còn loài Rắn mang kính ở Ấn Độ với làn da lốm đốm những chấm tròn màu nâu đen, ban đêm phát sáng theo ánh trăng, nhìn chẳng khác gì một xâu chuỗi ngọc. Riêng loại Rắn lãi đen đầu xanh (Racer – Snake) tại Úc thì da trơn mướt, có lớp vảy như Rồng, hoạt động độc lập khiến cho Rắn bò nhanh như đang bay bổng. Về nọc độc của Rắn, thì một vết cắn của Hổ mang chúa (King Cobra) đồng nghĩa với sự chết chỉ sau vài phút, nhưng hiện nay các nhà khoa học Nhật, Anh, Mỹ..đã biết khai thác khoa hóa học đó, để chế biến thành các loại Y dược hữu ích, chữa trị được nhiều tật bệnh của con người nhờ các tác dụng có liên quan đến cơ thể con người trong tính siêu hoạt động, tê liệt, giảm huyết áp hay làm đông máu. Chính các hóa chất có trong nọc độc Rắn như Captoprie dùng để chế thuốc chống cao áp huyết, thuốc cầm máu, chống chảy máu nội tạng.

II-Thế Giới Của Loài Rắn: 

            Trong 2700 loại Rắn hiện có mặt trên trái đất thì đã có đến 2200 loài Rắn chuyên ăn thịt chuột và trung bình một con Rắn mỗi năm ngốn hết 265 con chuột, giúp ích to lớn cho nhà nông bảo vệ mùa màng. Tại Việt Nam hiện có 150 loại Rắn trong đó có 13 loại Rắn biển (Đẻn), nhưng chỉ có 34 loài Rắn có nọc độc, song giết chết người chỉ có 7 loại.

            Theo bảng xếp hạng và phân tích hiện nay của các nhà Động Vật Học thì Rắn rung chuông sống tại miền đông nam Hoa Kỳ được xếp loại tối độc, loại Rắn này có ít sống trong các khu rừng ẩm ướt. Xếp hạng nhì là Rắn biển Hydrophis Belcheri, có rất nhiều tại vùng bắc Timor ở phía tây nước Úc. sau rốt là loại Rắn Parade Mansia giống như con cá đối, cũng sống tại Úc. Các con Rắn tối độc trên hiện nay có rất ít vì người ta bắt để lấy nọc độc giết chuột. Rắn độc lớn nhất là Rắn mang bành (Ophisphagus Hannoh) có tại Mã Lai dài tới 5m5. Rắn độc nhỏ nhất là Vipe lùn sống tại Namaqua (Phi Châu) dài trung bình 20cm. rắn bò nhanh nhất là loại Mamba đen (Dondroas Pis Polylepis) ở Đông Phi có vận tốc trung bình từ 15-20km/ giờ. Cuối cùng là Rắn cân nặng nhất là Mãng Xà Nam Phi, dài 8m45 nặng gần 227kg.

            Trăn còn được gọi là Mãng Xà Vương là con vật rất được dân Phi Châu tôn sùng, nhưng vì da trăn gấm rất đẹp và là nguyên liệu dùng để làm bóp, dây nịt, giầy …nên được bán với giá cao nên khuyến khích bọn săn trộm bắn giết Trăn mặc dù các chính phủ Châu Phi hết lòng ngăn cản. Tuy to xác dềnh dàng nhưng Trăn vốn rất hiền lành vì không có nọc độc và ít ăn. Trăn sống thường có cặp, con cái đẻ và ấp trứng suốt hai tháng mới nở con. Hiện có nhiều loại Trăn nhưng nổi tiếng nhất gồn có:           

-Trăn Thắt Cổ (Boa Contristor), dài chừng 4m, đẻ con, ăn các loại thú nhỏ và chim, sống trong rừng rậm các nước Nam Mỹ như Ba Tây, Peru, và Venezuela.

-Trăn Đầu Chó (Corallus Canicus ), dài chừng 2m, màu da xanh lục có lốm đốm trắng, thường cuộn mình trên các cành cây cao trong rừng rậm miền nhiệt đới Nam Mỹ ăn chim chuột.

-Trăn Ngũ Sắc Cầu Vòng ( Epicrates Cenchris ), có chiều dài không quá 1m nhưng màu da thì đẹp tuyệt với nhiều vảy sáng lóng lánh trên làn da năm màu như chiếc cầu vồng. Loại trăn này sống ở các nước Trung và Nam Mỹ.

-Trăn Cát Ấn Độ (Eryx Johnii), dài cỡ 1m, sống tại các hoang mạc đất pha lẫn cát, đuôi cụt ăn các loại thú nhỏ và chim.

-Trăn Nước (Eunectee Murinus), là loại mãng xà vương to lớn nhất trong bộ trăn, ó chiều dài từ 6m đến 9m, sống trong các khu rừng rậm, sình lầy không có dấu chân người tại các xứ Nam Mỹ. Trăn đẻ con.

-Trăn Mốc (Python Molurus), dài chừng 4m có màu da hơi sậm đen, sống tại Ấn Độ, Mã Lai, Nam Dương. Đây là loại trăn thường được nuôi tại các sở thú. 

-Trăn Xanh (Chon Droppython Vidiridis), rất hiếm quý, đặc biệt màu da trước khi trở thành xanh, đã phải qua nhiều thời kỳ đổi từ các màu vàng, đỏ, nâu …Trăn xanh chuyên ăn chuột, dài cỡ 2m, đầu hình tam giác. Hiện nay chỉ có một số ít sống trong rừng rậm trên các đảo Tân Guinea và Cap York (Úc)

-Trăn Bạch Tạng, là loài trăn có giá cao nhất hiện nay, sống ở Columbia, có màu da sáng ngà hay trắng nhợt. Miến Điện và Santa Ana (Hoa Kỳ) là hai trung tâm nuôi dưỡng và cung cấp loại trăn quý hiếm này cho thế giới.

Rắn: Có rất nhiều loại nhưng tựu trung vẫn được xếp trong hai nhóm, rắn hiền (không có nọc độc) và rắn có độc.

*Rắn không có nọc độc:

Chiếm hầu hết số lượng trong 2700 loại rắn mà đại diện là họ rắn nước (Colubridae) gồm có:

- Rắn nước khoan cổ (Natrix Natrix), sống từ Châu Âu tới Châu Á, trong các vùng đầm lầy có cỏ mọc và sát cửa sông. Có chiều dài từ 1m đến 1m50, đẻ trứng và săn mồi ban ngày, ăn ếch, nhái, cá và chuột. Người ta phân biệt loại rắn này với rắn hổ mang nhờ rắn có hai chấm vàng ở đầu.          

 - Rắn nước đầu nhẵn (Coronella Austriaca), còn được gọi là rắn trun. Rắn này dễ bị lẫn lộn với rắn hổ vì da có các đốm đen, tuy nhiên đối với tất cả các loài rắn hiền vì chuyên săn mồi ban ngày nên đôi mắt luôn mở tròn, trái lại với tất cả các loài rắn độc vì sống về đêm nên ban ngày có đôi mắt giống như một vạch ngang. Rắn dài chừng nửa thước, đẻ trứng, ăn ếch nhái, chuột và sống khắp Âu Châu cũng như vùng cận đông.           

- Rắn nước hoa (Coluber Gemonensis), lớn nhất trong các họ rắn nước, dài trên 3m, hay tấn công người dù không có độc, sống tại Trung Đông và Âu Châu.          

 - Rắn ráo (Ptyas Mucosus), cũng thuộc họ rắn nước, không có nọc độc, dài từ 2m đến 3m, da óng ánh màu vàng hoặc nâu, ăn ếch, nhái, chuột. Rắn sống tại các nước Tàu, Nam và Trung Á.           

- Rắn mõm thìa (Chionatic Ocupitalic Annulata), dài chừng 0m30, nhỏ nhưng có màu da óng ánh đẹp, sống trong các sa mạc tại California, Hoa Kỳ.

            - Rắn bịp (Heterodon), có làn da đẹp, làm hang trong các hoang mạc từ Texas tới Florida, biết giả chết khi nguy cấp, ăn ếch nhái và chuột.

             *Rắn độc:

            Gồm hai nhóm có nọc độc, nhóm thứ nhất nọc chứa trong  góc sau cùng của răng hàm trên, chỉ dùng để làm tê liệt con mồi mà không nguy hiểm cho con người. Nhóm thứ hai mới chính là rắn độc, tức là nhóm có răn móc độc ở răng móc hàm trước, rất nguy hiểm với con người. Họ rắn độc gồm có:          

 - Rắn đeo kính (Naja Naja), thuộc họ rắn hổ hay còn gọi là rắn mang bành vì trước khi rắn phun nọc thường đập đuôi xuống đất, đầu ngẩn lên thật cao, mang bành ra, dài trên 2m, gương mặt có đốm dạng một cặp kính, nọc cực độc có thể giết người trong nháy mắt. Rắn chủ yếu sống ở tại Ấn Độ, miền Trung Á và Đài Loan, đẻ trứng, ăn ếch nhái, chim chuột và thằn lằn.

            - Rắn hổ mang đeo kinh một mắt (Naja Naja Kaonthia), trên mặt có mang một đốm tròn hay trái tim, thuộc họ mang bành, rất lón, nọc cực độc, sống tại Mã Lai, Thái Lan, Miến Điện và Ấn Độ.       

- Hổ mang chúa (Naja Hannah), có màu vàng nhạt hay màu xanh lục và nhiều vạch đen. Rắn dài tới 5m, cực độc và rất hung dữ nhất là vào mùa sinh sản, rắn cái ấp trứng, rắn đực canh phòng. Rắn sống miền Đông Nam và Nam Á, chuyên ăn các loài rắn khác.

 - Rắn hổ mang Trung Á (Naja naja Asiana), dài chừng 1m, màu da xám hay vàng nhạt, trên cổ có khoanh đen hay sọc xẩm, không độc bằng hổ mang đeo kính.

 - Hổ  mang Ai Cập (Naja Haje), dài chừng 2m70, cùng họ với loài rắn hổ Ấn Độ, có nhiều sọc nâu hay vàng ở bụng. Rắn thích nước dù chỉ sống trong các vùng hoang mạc khắp Châu Phi, cũng rất hung dữ, ăn các loài gậm nhắm.

 - Rắn hổ Âu Châu (Vipera Napis), sống tại các nước phía nam Châu Âu lên tới Ba Lê, tuy nhỏ con nhưng chúng tàn độc không kém gì các loài rắn hổ khác.

 - Rắn hổ nâu (Vipera Labetina), sống tại Châu Phi trừ nước Ai Cập, qua tới vùng Tiểu Á Tế Á và Ấn Độ, có các màu xám, nâu và ô liu, mang đủ đặc tính của loài rắn hổ.

 - Rắn lục vảy răng cưa (Echis Carinatus), dài gần bằng rắn hổ Berus nhưng không lanh lẹ và mạnh bạo bằng, sống tại Tây Phi và Trung Đông.

 - Rắn lục cườm (Vipera Russela), dài tới 1m50, có nọc độc kinh khiếp, sống tại Ấn Độ, Tích Lan, Miến Điện và Thái Lan.

 - Rắn rung chuông thuộc loại rắn hổ, hiện có chừng 15 loại chỉ sống tại Châu Mỹ, nhưng nhiều nhất là miền trung tây Hoa Kỳ. Rắn độc kinh khiếp có thê/ sánh ngang hàng với rắn hổ chúa Á Châu. Chuông của chúng là những cái vảy khô và rời nhau xếp ở cuối đuôi. Chuông chỉ hoạt động khi rắn bị kích thích, phát ra những âm thanh lanh lảnh nghe rất chói tai. Rắn đe/ con, ăn những động vật nhỏ

 Rắn Biển:

            Còn gọi là đẻn, thuộc họ Hydrophidae, độc đến nỗi đến lúc chết vẫn không có một loài động vật nào, kể cả diều hâu, kên kên thèm ăn thịt. Hiện nay nhân loại chưa tìm được huyết thanh để trị vết cắn của các loài rắn biển.

            Theo các nhà khoa học thì rắn biển có cùng dòng họ với loài rắn hổ trên cạn, hiện sống đông đúc từ biển Nhật Bản cho tới phía nam Thái Bình Dương, Rắn biển không có trong Đại Tây Dương, nhưng nhiều nhất là vùng biển Úc. Rắn biển gồm có: Rắn Aipysurus, màu ô liu, dài trên 1m80, Rắn biển bụng vàng Pelanus, Rắn biển đầu rùa có khoang Edomycephacus, Rắn biển đầu nhỏ Microcephacophiae..Tóm lại dù cho loại nào, to hay nhỏ, nọc độc cũng có thể giết con người trong nháy mắt nếu không chữa trị kịp thời.

            Tại Việt Nam hiện có 18 loại rắn độc trên cạn và 13 loại đẻn sống ở biển. Với các loài rắn lục chuyên ở trên cây, các loài rắn hổ thì ẩn trú ở đầm lầy, bờ ruộng, hốc đá và trong các hang chuột. Nhiều loại rắn lại thích ngự trên bờ tường, mái rạ như rắn lục núi, khô mộc. Riêng rắn hổ mang và cạp mia tuy sống trên cạn nhưng bơi lội rất giỏi. Trong họ rắn hổ thì rắn mai gầm và hổ đất độc hơn hết nên trong dân gian đã phát sinh ra câu phong dao: “Mai gầm tại chỗ, rắn hổ đem về”. Cũng vì sự tàn độ trên nên không ai thèm ăn thịt rắn mai gầm, trái lại các loài hổ như là hổ hành, hổ mây, hổ chuối, hổ ngựa, hổ lửa cho tới hổ đất thì hổ nào ăn thịt cũng rất ngon và bổ dưỡng, ai cũng ưa thích nhất là người miền Sông Hậu, Sông Tiền.

 III- Những Chuyện Lạ Về Rắn:

             *Rắn và các biểu tượng tôn giáo: Răn và Rồng là hai biểu tượng được tôn thờ trong các đền miếu tại Việt Nam. Rồng tượng trưng cho linh thần và Rắn trái lại là các hung thần thủy quái hung dữ. Bên Tàu, Rắn được xưng là Xà Vương. Nhiều đền thờ Rắn có từ thời thượng cổ, hiện vẫn còn tại Tô Châu (Triết Giang), Minh Hải (Giang Tô), Phúc Kiến..

             *Rắn biểu tượng của Y học: Ngoài cắn chết người khi tự vệ, Rắn là con vật có ích cho nhân loại nhất là trong lãnh vực nông nghiệp vì Rắn tiêu diệt chuột là con vật chuyên phá hoại mùa màng.

             Với y học, Rắn là biểu tượng tốt lành với hình vẽ con rắn thè lưỡi dài, quấn thăng/ đứng quanh chiếc gậy nguyệt quế của thần Esculape mà theo thần thoại Hy Lạp, là con của Apolon, ông tổ nghề thuốc.

             *Rắn theo đóm ăn tàn: Rắn Cạp nong và Cạp nia có đặc tính là bò theo ánh lửa trong đêm tối.

            *Khắc tinh của Rắn: Trời sinh voi sinh cỏ, nên trên trái đất có nhiều khắc tinh của Rắn như: Chim ưng, Cú mèo, Bìm bịp, Chồn, Nhím, Lợn, Rùa, Kỳ đà, Chuột chù..Đặc biệt tại Nam Mỹ có một loài Rắn hiền chuyên ăn thịt các loại Rắn độc.

            *Rắn có Mào: Đó là loại Rắn nhưng không có nọc độc, dài khoảng 1m, có màu xanh lục tươi hay màu xám và hai bên sườn có hai sọc màu đen, trắng. Mào đây chính là cái chồi ở trên đầu mọm Mào không có màu đỏ lửa mà hồng lợt. Vì Rắn có mào rất hiếm và ít khi xuất hiện nên dân chúng VN sợ và gọi là Thần Đất.

            *Rắn nuốt voi:  Chuyện rắn phủ mèo hay rắn nuốt voi, từ trước đến nay chưa ai thấy mà chỉ nghe lời đồn đại mà thôi. Rắn phủ mèo là chuyện bịa đặt hoàn toàn. Tại Việt Nam có nhiều loại rắn thường bò lên mái nhà để bắt chuột, gặp lúc mèo cũng đang rình chuột. Thế là cả hai lăn xả vào nhau để dành chuột, do đó thiên hạ lại tưởng chúng đang ái ân, cũng giống như tình chim chuột. Thế nhưng mãng xà vương nuốt voi là chuyện có thể xảy ra.

             Ai cũng biết dù là trăn hay rắn, thì ngoại hình của chúng vẫn bé nhỏ nhưng về sức ăn thì thật là khủng khiếp …Thức ăn hằng ngày của rắn là thịt sống và rắn hay trăn, dù bất cứ loại nào cũng có thể giết những con vật to lớn hơn mình một cách dễ dàng bằng nọc độc và thủ thuật. Tại Ấn Độ, Mã Lai, mãng xà vương chuyên săn người, sơn dương, hưu, nai rất thường, nhưng khi chúng tiêu hóa các con mồi trên lại là vấn đề nan giải, dù miệng trăn rắn khi ăn có thể mở rộng tối đa thành một hình vuông. Theo sự nghiên cứu của các nhà động vật học thì trăn và các loại rắn lớn mỗi ngày phải tiêu thụ chừng 3 ký thịt sống, và chuột là con mồi khó tiêu nhất của rắn, nghĩa là từ lúc thịt vào dạ dày cho tới khi tiêu thụ hết, phải mất 14 ngày. Đây là luận lý để các nhà khoa học giải thích việc rắn nuốt voi qua một thời gian tiêu hóa rất lâu dài.

             *Huyền thoại và Sự thật về Ngọc Rắn: Theo truyền thuyết, các loài Rắn sống lâu năm có thể tu luyện tinh khí, biến thành nội đơn gọi là Ngọc Rắn, có khả năng trị và giải chất độc muôn loài. Tại VN nhất là ở nông thôn hay vùng sơn cước, dân chúng tin tưởng có Ngọc Rắn, nhưng hầu hết đều chưa thấy được.

             Theo các nhà y học đông phương thì Ngọc Rắn do tu luyện lâu năm là chuyện hoang đường, nhưng các viên Ngọc Rắn được lưu dụng trong nhân gian từ thuở xa xưa tới nay là chuyện có thật và đó là Ngọc Rắn Nhân Tạo do con người tinh chế bằng các loại thảo dược có công dụng trừ và giải độc. Theo tiết lộ của những người hiện còn giữ được Ngọc gia truyền, thì Ngọc Rắn có hình chữ nhật gần giống như một thanh mực tàu, được chế luyện bằng gạc nai còn tươi, sữa và vài thứ dược chất có công dụng trị độc. Tất cả được hòa tan và tinh chế trong lò luyện đơn đúng 100 ngày mới thành công. Ngọc Rắn nhân tạo có thể hút và khử các chất độc của Ong, Kiến,Rít, Bồ Cạp, và các loại Rắn

…            *Rắn Bay: Rắn là loài bò sát, sống dưới đất hoặc quấn trên cây, nhưng tại đảo Guam lại có một giống Rắn biết bay, không biết từ đâu đến chiếm cứ nơi này và sinh sản lên tới 6 triệu 300 ngàn con. Đó là loài Rắn nhỏ màu nâu không có độc, chuyên ăn chim và có sức chịu đựng để tồn tại thật khủng khiếp. Rắn bay ngoài việc sát hại nhiều loại chim tại địa phương, còn gây trở ngại và tai nạn cho các phi cơ lên xuống tại phi trường dân và quân sự tại đây.

            Rắn chỉ hoạt động về đêm, di chuyển ngang dọc trên các cây, trụ điện để săn chim, và từ năm 1978 đến nay đã gây nhiều trở ngại về điện cũng như điện thoại tại địa phương. Đểngăn chận sự tác hại của Rắn, chính phủ Hoa Kỳ phải bỏ ra hàng triệu mỹ kim để xây dựng các hàng rào điện tử, quan trọng nhất là tại căn cứ không quân Anderson. Giải pháp nhập khẩu một triệu con chuột bạch dùng để tiêu diệt Rắn cũng không thành công.

             *Sống chung với Rắn: 

            Nuôi Rắn hay bắt Rắn là chuyện thông thường ở khắp nơi trên thế giới. Hiện có 23 quốc gia gồm Ba Tây, Nga, Mỹ, Pháp, Áo, Đức, Nam Dương, Do Thái, Ý, Thái Lan, Nhật.. có nhiều trung tâm nuôi Rắn độc để lấy nọc độc làm thuốc. Nhưng quy mô và đồ sộ hơn hết là vương quốc Rắn đeo kính của Tam Quán Vương Hoàng Quốc Nam tại Đài Loan. Còn bên Tàu, tại thành phố Quảng Châu có Vạn Xà Thành của Xà Vương Tiền Long Phi với 2.800.000 con Rắn đủ loại, chiếm quán quân về nghề nuôi Rắn. Tại VN có làng Lê Mật thuộc Gia Lâm Hà Nội là trung tâm nuôi và bắt Rắn chuyên nghiệp lâu đời. Ở miền Nam VN, sau tháng 4-75, Tư Dược lập ra trại Rắn trong căn cứ Đồng Tâm doanh trại cũ của Sư Đoàn 7BB/ VNCH.

              Nhưng chuyện lạ hơn hết là có một gia đình người Hoa gồm 6 người, kể cả đàn bà và con nít, đã sống chung với 38.888 con rắn độc trong 99 ngày. Ở Thượng Hải cũng có hai cô gái trẻ đẹp người Hoa, ăn ở chung phòng với 888 con rắn độc trong ngày. Trong suốt thời gian kinh khủng trên, họ đã bị Rắn cắn nhiều lần nhưng tất cả đều bình yên vô sự vì họ là thầy thuốc rắn và có thuốc giải độc.

            * Các Lễ hội liên quan tới Rắn:

            Vì Rắn được coi là linh vật, nên trong dân gian ó nhiều hội lễ liên quan tới Rắn. Tại VN có ngày hội Rắn trong tháng giêng âm lịch tại làng Lê Mật (Hà Nội). Ở Mỹ, mỗi năm bộ lạc da đỏ Hopy ở các tiểu bang trung Mỹ đều tổ chức lễ múa Rắn cầu mưa. Tại Ấn Độ, ngày 10-8 hằng năm là ngày giải hòa của Người và Rắn được tổ chức trọng thê/ tại Battish thuộc tiểu bang Maharashtra. Ngày bắt Rắn tại Mỹ hằng năm diễn ra trong mùa xuân tại thành phố Sweetwater (Texas)..

            *Huyền thoại về thủy quái (Rắn biển):

            Trong thế giới muôn loài, Rắn biển là một trong những con vật bí ẩn nổi tiếng của ngành Động Vật Học. Thật ra từ thời thượng cổ, con người đã nhiều lần đụng độ với thủy quái (Rắn biển), nhưng với các nhà khoa học thì các tài liệu có trước thế kỷ thứ 16 (sau Tây Lịch) đều thiếu chính xác, mang tính huyền hoặc, huyền thoại.

             Theo các báo cáo, thì đã có nhiều cuộc gặp gỡ và đụng độ giữa các tàu biển và thủy quái, tuy ngắn ngủi nhưng cũng gây nhiều xôn xao trong dư luận vào các năm 1876, 1915, 1947, 1969 và mới nhất vào ngày 10-4-1977, tàu đánh cá Nhật Zuiyo Maru đã vớt lên xác một con Rắn biển dài hơn 10m gần bờ biển Nouvelle – Telande. Tại VN vào tháng 7-1897, chiếc Thiết Giáp Hạm Avalanche của Hải quân Pháp trong khi tuần biển gần vịnh Hạ Long (BV), đã chạm trán 2 lần với một cặp Rắn biển khổng lồ, một trong hai con bị bắn trọng thương bởi đạn đại bác và biến mất dưới đáy biển từ 15/2/1898 tới nay. Tin tức về sự đụng độ này, lúc đó đã được tờ Courrier D’Hải Phòng đăng tải. Theo tiến sĩ người Bỉ là Bernard Heuvelmans thì Rắn biển hiện có 5 loài mà cách di chuyển uốn lượn theo đường thẳng đứng với tốc độ nhanh nên khó có thể bắt được. Đó là loại có vú bao gồm nhiều con vật khổng lồ còn sót lại từ thời tiền sử, kể cả loài cá chình khổng lồ.

IV-Rắn, Món Ăn, Món Uống khoái khẩu của Người Việt:

Ngoài rắn Mai Gầm quá độc không ai muốn đụng tới, tất cả các loài rắn khác đều được người miền Nam, nhất là giới nhậu dùng làm thức ăn, món uống hằng ngày. Theo kinh nghiệm dân gian thì thịt các loài rắn hổ như: Hổ hành, Hổ mang, Hổ chuối, Hổ lửa, Hổ Ngựa, Hổ đất kể cả Hổ chúa, hô/ nào cũng ngon tuyệt vời và đầy chất bổ dưỡng.

            Thực đơn rắn của người Sông Tiền, Sông Hậu dài lê thê, gần như không kể xiết nhất là tại vùng Đồng Tháp Mười, U Minh được coi là vựa rắn với các món ăn chơi như: Rắn tiềm thuốc bắc, nấu cháo đậu xanh, xé phay trộn với rau răm, hành lá, xào lăn với củ hành tây bo/ bột cà ry, um với bún tàu riêm với nước cốt dừa xiêm, bằm xào sả ớt xúc bánh tráng mè dầy, khìa với nước dừa và trang trọng nhất là lẩu rắn. Ăn thịt rắn phải uống rượu rắn mới dễ tiêu và đúng điệu. Dĩ nhiên tại Nam phần, nơi nào cũng làm được rượu rắn nhưng nổi tiếng nhất từ năm 1960 tới nay là lò rượu rắn của Năm Rô ở ngã bảy Phụng Hiệp (Phong Dinh). Ở đây chuyên sản xuất ba loại rượu: Tam Xà Tửu (Hổ mang, Hổ lửa, Mai gầm), Ngũ Xà Tửu (gồm 3 loại rắn trên thêm Hổ hành, Hổ hèo), Thập Xà Tửu (gồm 5 laoi. rắn trên thêm rắn Lục, Bông, Rí voi, Ri cá và Bông súng).

             Trăn hay rắn thường làm hại người, nhưng phần lớn là tự vệ hay do người vô ý đạp nhầm. Nhưng trên hết chúng là loại thú có ích cho nhà nông vì chuyên ăn chuột, một loài gậm nhấm phá hoại con người. Ngày nay nhiều nước trên thế giới kể cả các nước Châu Phi, đã ý thức được sự lợi ích của rắn nên ban hành nhiều đạo luật bắt và xuất khẩu các loài rắn có ích, tích cực nhất là Thái Lan, một quốc gia đứng đầu về xuất cảng gạo.

             Tại Việt Nam từ sau năm 1975, con người cũng theo thời mà đổi và trăn, rắn cũng bị cuộc đổi đời tàn khốc mà sắp bị diệt vong. Người ta săn đuổi rắn đến cùng tận, từ Nam Quan ra tới tận đảo Phú Quốc, nơi đồng ruộng cho tới núi rừng Trường Sơn và miền Thượng du Bắc Việt, để cho đủ nhu cầu ăn nhậu trong nước và bán cho Tàu trắng, Tàu đỏ, Đại Hàn, Nhật kể cả Tây Phương. Xưa bắt rắn chỉ có thầy rắn hay dân chuyên môn với thuốc trừ rắn chế bằng diêm sinh, củ nén. Ngày nay ai cũng bắt được với kỹ thuật cao của xã nghĩa Hà Nội là dùng súng mìn và roi điện có gắn điện cao thế.

            “Thố tử thành cẩu phanh” đó là thói đời xưa nay, nhưng tại Việt Nam, hôm qua, ngày nay và vẫn triền miên kiếp kiếp, chuột vẫn là mối họa lớn của dân tộc, thế tại sao người lại nỡ tiêu diệt rắn? Cho nên cái giá mà mạng người đã đổi để có rắn cung cấp đủ cho các nhà hàng, vựa, xuất khẩu, chẳng qua cũng là một sự vay trả công bằng.

  

HỒ ĐINH
Theo Hồn Việt

Bài cùng chuyên mục

 
 

  • Thiết kế web

    www.webdesign.vn

    Giải pháp công nghệ phát triển web trực tuyến chuẩn SEO mạnh nhất thế giới hiện nay...

  • Tin kinh tế

    www.tinkinhte.com

    Tin kinh tế, tài chính, chứng khoán, nhà đất, công nghiệp, doanh nghiệp, giao thương,...

  • Tin sức khỏe

    www.tinsuckhoe.com

    Chăm sóc sức khỏe, sức khỏe gia đình, thông tin thuốc, phòng khám, nhà thuốc,...

  • Tin khoa học

    www.tinkhoahoc.com

    Tin khoa học, công nghệ, Hi-Tech, khoa học hình sự, huyền bí, thế giới động vật,...

  • Tin pháp luật

    www.tinphapluat.com

    tin pháp luật, Hình sự, kinh tế, văn bản luật, mẫu văn bản, luật sư, tư vấn luật,...

Khám phá thế giới động vật, động vật hoang dã: Khủng long, Rắn chuông, Sư tử châu phi, Chó ngao, Đại bàng, Cá mập,...

Trang chủ   |   Liên hệ   |   Tài trợ - Quảng cáo    |   RSS

Copyright 2014 -   thegioidongvat.net

Hotline: 0983 006 168   |   Email: thegioidongvat.net@gmail.com

Đề nghị đặt liên kết và ghi rõ nguồn "Thế giới động vật .net " khi bạn trích dẫn, đăng lại thông tin từ thegioidongvat.net.