Đồng bằng sông Cửu Long ngày nay không còn cọp, nhưng ngày xưa, loài mãnh thú này hiện diện khắp nơi, từ Long An xuống tận Cà Mau. Từ bao đời nay, cọp là kẻ thù của con người vì chúng thường rình bắt gia súc, thậm chí bắt người để ăn thịt. Nhưng ở góc độ tâm linh, người Nam bộ vẫn thờ thần Hổ và từ thời khai hoang mở đất, đó đây trên vùng đất này vẫn còn lưu truyền những câu chuyện cảm động giữa cọp và người.
Cọp ở đồng bằng sông Cửu Long xưa
Ở miền Tây, nếu chịu khó đi tìm thì có rất nhiều nơi lưu truyền những câu chuyện ly kỳ về cọp. Những bậc lão nông tri điền kể rằng, ngày xưa đất miền Tây còn rừng rậm hoang vu nên cọp nhiều vô kể. Hồi đó, cọp và người chung sống với nhau hòa bình, mạnh ai nấy sống, mạnh loài nào loài nấy kiếm ăn, không ai xâm phạm của ai.
Cho nên, đối với cư dân Nam bộ thời kỳ đầu khai hoang mở đất, cọp không phải là loài ác thú dữ dằn mà chỉ là con vật hiền lành như mọi loại thú nuôi khác, gần gũi với người nông dân, vì thế trong dân gian vẫn còn lưu truyền câu ca: “Cọp rừng Sác moi ốc bắt cua. Cọp rừng thưa săn rùa rượt thỏ. Cọp đồng cỏ đuổi chó rình chim. Cọp rừng sim ăn ong hút mật”. Sau này, khi con người ngày càng đông đúc, làng xóm mọc lên nhiều, lần hồi lấn chiếm hết giang sơn và thức ăn của cọp, nên cọp và người trở thành kẻ thù không đội trời chung.
Từ Long An xuống tới tận chót mũi Cà Mau vẫn có nhiều địa danh liên quan đến con cọp. Như ở huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre hiện nay vẫn còn địa danh Đìa Cứt Cọp, mà theo lời bậc tiền nhân thì ngày xưa ở vùng này có rất nhiều cọp. Lũ cọp này đi khắp nơi săn mồi, sau đó tụ tập về đây đánh chén rồi phóng uế bừa bãi xung quanh một đầm nước lớn, nên dân gian gọi nơi đây là Đìa Cứt Cọp.
Một hình tượng ông Cọp được người dân dựng ở ngã ba sông Tắc Cậu (Kiên Giang) để trấn yểm những điều xui xẻo
Ở huyện Chợ Lách (cũng thuộc tỉnh Bến Tre, vùng nổi tiếng về cây ăn trái), cũng có một địa danh mang tên Đồn Cọp. Lai lịch của địa danh này được người địa phương kể lại như sau: nơi đây trước kia cọp thường xuyên về phá hoại, bắt heo, trâu, bò. Cọp lộng hành và đông đúc đến mức dân làng không thể chống lại, nên bàn nhau đốn những cây cau lão sống lâu năm, thân chắc như đá, đem ngâm nước, rồi lấy thân cau cắm xuống đất làm thành một vòng rào cao, đưa heo, bò vô trong dụ lũ cọp háo ăn chui vào, sau đó rào kín lại vây lũ cọp, không cho chúng ra ngoài. Vây được lũ cọp, dân làng cử người về tỉnh báo quan.
Quan tỉnh hay tin, cho người mang súng, cung tên, giáo mác về bao vây quanh hàng rào, bắn chết hết lũ cọp. Từ đó, dân vùng này mới được yên ổn làm ăn. Địa danh Mỏ Cày ở tỉnh Bến Tre cũng liên quan đến sự tích về cọp, rằng ngày xưa ở vùng này có rất nhiều cọp, loài thú dữ này thường rình mò bắt người để ăn thịt. Do đó khi đi ra đồng, người dân ai cũng phải mang theo một chiếc mõ tre, vừa thúc trâu đi cày vừa đánh mõ vang động nhằm làm cho cọp sợ, trốn trong lùm bụi, không dám hại người.
Ở Bến Tre còn có nhiều địa danh liên quan đến cọp như giồng Ông Hổ, bưng Hai Hổ, miếu Ông Hổ… Ở đây, cho đến nay, nhiều người vẫn còn nhớ chuyện ông Yến ở xã Tân Hưng (huyện Ba Tri) bị cọp nhập vào thần xác, trở thành chúa cọp trong vùng. Số là ngày xưa, vùng này có rất nhiều cọp dữ sinh sống, trong khi ông Yến hễ gặp cọp bất cứ nơi đâu là đánh đuổi quyết liệt, nên trở thành khắc tinh của cọp.
Một đêm nọ, từ đâu xuất hiện một con cọp bạch đến nhà ông Yến thò đuôi vào chuồng gia súc. Nghe đàn heo, bò kêu gào ầm ĩ, ông Yến thắp đuốc ra xem. Con cọp chẳng những không thèm chạy trốn mà còn ngồi yên một chỗ như chọc tức ông Yến. Ông này lừa thế, nắm được đuôi cọp, nhưng sợ hai tay nắm đuôi con cọp không chặt nên ông tiếp tục dùng răng cắn giữ chót đuôi. Người và cọp đang nhùng nhằng thì bà Yến xách cây mác vót bén ngọt chạy ra tiếp ứng chồng, đâm chết cọp bạch. Con cọp bạch vừa chết thì liền “xuất tướng tinh” nhập vào người ông Yến, từ đó trở về sau, ông Yến trở thành chúa cọp, tất cả cọp lớn nhỏ trong vùng đều nghe lời ông răm rắp.
Từ khi làm chúa cọp, ông Yến không cho lũ cọp rình bắt gia súc, bắt người để ăn thịt mà chính gia đình ông sẽ cung cấp thức ăn cho chúng hoặc lũ cọp phải xuống sông bắt cá mà ăn. Người dân trong vùng còn kể rằng, sau khi ông Yến trở thành chúa cọp, mỗi khi ông ra khỏi nhà là lũ cọp thay nhau cõng ông trên lưng để đi chợ, đi ăn giỗ, đi cúng đình và du ngoạn khắp nơi, ngoan ngoãn như lũ ngựa hiền lành.
Đến khi ông Yến chết, những ngày diễn ra đám tang của ông, tất cả cọp trong vùng tụ họp xung quanh nhà, ngồi chầu chực buồn thiu. Sau khi an táng ông xong thì cả bầy cọp đông đúc đến ngồi bao xung quanh ngôi mộ, kêu rống thảm thiết, cào đất đắp lên mộ cho ông, sau đó bỏ đi mất dạng.
Ở An Giang, bãi Hoàng Dung trên sông Hậu ngang thành phố Long Xuyên xưa kia là một cù lao hoang vắng, cây cối mọc rậm rì nên có rất nhiều cọp trú ngụ. Từ đó mà dân gian gọi nơi này là Hổ Châu (cù lao Hổ). Hiện nay, vùng này là cù lao Mỹ Hòa Hưng thuộc thành phố Long Xuyên. Ở thị xã Hà Tiên thuộc tỉnh Kiên Giang xưa kia có địa danh đồi Ngũ Hổ do có năm tảng đá có dáng dấp giống hệt năm con cọp ngồi khum lưng, cúi đầu. Ở xóm Cửa Lấp, xã Dương Tơ, huyện đảo Phú Quốc, ngày nay vẫn còn đình Ông Hổ do người dân dựng nên từ rất lâu. Người dân ở đây kể rằng, chuyện xưa lưu truyền lại là ngày trước ở những hòn đảo nhỏ xung quanh đảo Phú Quốc có rất nhiều cọp sinh sống.
Những khi đói mồi, các ông cọp ở các hòn đảo nhỏ thường bơi qua đảo Phú Quốc để kiếm ăn. Lần nọ, có một ông cọp rất lớn đang bơi qua biển thì bị cá mập táp cụt mất một chân. Ông cọp lóp ngóp leo lên bờ, đi cà nhắc, kiếm một chỗ ở ẩn luôn tại Phú Quốc, tính tình rất hiền lành, không khi nào bắt gia súc, gia cầm hay hại dân làng.
Từ đó dân chúng trên đảo Phú Quốc cho rằng ông cọp đã tu nên thường mang thức ăn cho cọp. Sau khi cọp chết, dân chúng lập đình để thờ. Nhiều bậc kỳ lão ở tỉnh Long An còn kể rằng, ngày xưa ở xã An Thạnh, huyện Bến Lức bên bờ con rạch tên rạch Dinh, còn có một cái nhà nhỏ để cho cọp trú ngụ mà tục gọi là dinh Ông Cọp.
Ở Cà Mau – vùng đất xưa kia nổi tiếng lắm cọp, nhiều sấu, người ta vẫn còn truyền tụng nhiều chuyện ly kỳ về cọp. Những người già xứ Cà Mau kể rằng, cọp vùng này nổi tiếng hung dữ, tàn ác, nhiều nhất ở vùng Cái Bát, Trèm Trẹm và Năm Căn. Người dân chống cự không lại nên phải dùng lễ vật (gồm heo sống, bò sống nguyên con) để cúng tế cọp, cầu hòa để được yên ổn làm ăn. Do quá sợ cọp nên dân Cà Mau không khi nào dám gọi thẳng là con cọp hay con hổ mà phải cung kính gọi là “ông Thầy”, “ông Hổ”, hoặc “hai Cọp”, “khái”, hoặc “Hương quản cọp”.
Nhiều người kể rằng, nếu cung kính với cọp thì cọp sẽ để cho yên ổn làm ăn, còn nếu bất kính thì sẽ bị cọp trừng trị ngay lập tức. Có một câu chuyện chứng minh cho điều này mà hiện nay nhiều người dân vùng Cà Mau vẫn còn nhớ. Chuyện kể rằng hồi xưa tại Cái Bát có một chị có đứa con nhỏ nhưng hay khóc nhè lúc ban đêm, không chịu ngủ. Đêm nào cũng dỗ dành hoài nhưng đứa trẻ không chịu nín khóc, một đêm chị ta tức mình bồng đứa nhỏ lại sát vách lá, vạch một lỗ trống, đưa chân đứa bé ra ngoài vách nhà rồi rủa “Mầy khóc hoài, dỗ không nín thì vái cho con cọp tới bắt mày”.
Vừa rủa dứt câu, một con cọp rình ở ngoài vách từ hồi nào liền phá vách lá, chụp bắt đứa bé tha đi ăn thịt mất xác. Từ đó về sau, xóm Cái Bát không ai dám rủa “cọp bắt mày” hay “cọp vật mày” nữa”. Cho nên không có gì lạ khi ngày xưa đình nào, miếu nào ở vùng Cà Mau cũng có một ngôi miếu nhỏ trong khuôn viên để thờ cọp, thường gọi là miếu ông Hổ.
Còn ngay trước sân đình nào cũng xây một bức tường bề cao 2 thước, có đắp nổi hình con cọp to, vằn vện, rất hung dữ, quanh năm nhang khói nghi ngút. Ngoài những chuyện ly kỳ về cọp, dân Cà Mau còn thuộc lòng chuyện tiếu lâm về cọp, mà trong đó nổi đình nổi đám là chuyện bác Ba Phi bắt cọp xay lúa.
Chuyện kể rằng, đêm nọ, bác Ba Phi đang ngủ trên sàn gác, đến khoảng gà gáy hiệp ba, bỗng nghe con heo vừa vô tạ (100kg) ngoài chuồng kêu éc éc… Biết là cọp xông vô chuồng bắt heo, tiếc của nên bác Ba Phi quên cả sợ hãi, xách cây mác vót bén ngọt phóng xuống, phăng theo tiếng heo kêu la văng vẳng, rượt theo con cọp, đến sáng mới giựt lại được xác con heo vác về. Không ăn được thịt con heo tạ, con cọp tức tối quay lại trả thù. Trưa hôm sau, hai vợ chồng bác Ba Phi khiêng cối xay ra sân xay lúa, đang xay ồ ồ thì nghe phía sau nhà có tiếng động trong lùm cây, nhìn kỹ thì là con cọp đang ngồi nhìn vợ chồng bác Ba.
Thấy vậy, bác Ba Phi nghĩ bụng “Bữa nay, tao phải bắt con cọp này xay lúa một trận cho biết tay!”, rồi kêu bác gái xúc sẵn hai chục giạ lúa để kế bên. Con cọp ngồi chờ hoài, đói bụng nên nhảy ra, chụp xuống đầu bác Ba Phi. Bác liền hụp xuống, lách ngang để tránh, nên hai chân trước của con cọp chụp tám móng nhọn vào cán giằng xay cứng ngắt, không rút ra được.
Trong lúc đó, cái cối xay lúa đang sẵn trớn quay nên con cọp phải đi theo cái cối xay hết vòng này đến vòng khác. Vợ chồng bác Ba Phi đứng kế bên cứ xúc lúa đổ vô cối cho con cọp xay, lâu lâu còn vỗ đầu khen “cọp ngoan, cọp ngoan”.
Đến lúc con cọp xay hết hai chục giạ lúa, bác ba Phi kêu vợ vô bồ xúc thêm lúa nữa, nhưng bác gái thấy con cọp mệt le lưỡi nên bảo bác trai tha cho nó. Lúc này, bác Ba Phi nắm tay cối xay chập mạnh lại cho dừng trớn quay, con cọp bị hụt đà, tám móng rời ra khỏi cán giằng xay, té cắm đầu. Nó lồm cồm ngồi dậy, mệt thở hết muốn ra hơi, thất thểu bỏ đi vô rừng, không dám quay đầu nhìn lại, từ đó cũng hết dám ra xóm bắt heo của người dân.
Cọp trả ơn người và tín ngưỡng thờ cọp
Như trên đã nói, thời xa xưa, cù lao Mỹ Hòa Hưng thuộc thành phố Long Xuyên tỉnh An Giang là một đám rừng rậm hoang vu, dân cư thưa thớt, cọp tụ về sinh sống rất nhiều nên có tên là cù lao Hổ. Chuyện kể rằng hồi đó, có một cặp vợ chồng nghèo khó đưa nhau ra đó sinh sống, quanh năm làm nghề chài lưới, đánh cá.
Một hôm, trong mùa nước nổi ngập trắng đồng, nước sông Hậu chảy cuồn cuộn đục ngầu, hai vợ chồng nghèo đang đi đánh cá thì gặp trời mưa to, gió lớn, sóng đập ầm ầm. Hai vợ chồng người dân chài đang loay hoay bơi chiếc xuồng nhỏ tìm chỗ trú mưa, tránh sóng gió thì thấy một đám lục bình lớn dập dềnh trên sóng nước trôi ngang qua, trên đó có một con mèo nhỏ ngồi co ro, lông lá ướt nhẹp, run cầm cập vì bị nước mưa và sóng đánh, không kêu được tiếng nào.
Tội nghiệp con mèo nhỏ bị ướt lạnh, hai vợ chồng dân chài bất chấp sóng to, gió lớn, liều mình bơi xuồng ra vớt con mèo. Nhưng khi xuồng tấp vào gần dề lục bình thì cả hai vợ chồng đều tá hỏa vì đó không phải là con mèo mà là một con cọp con chừng vài tháng tuổi. Nương chiếc xuồng theo dề lục bình suy tính một hồi, hai vợ chồng người dân chài quyết định cứu con cọp con, đem về nhà đốt lửa lên sưởi ấm, sau đó nuôi nấng, thương yêu chăm sóc cọp như con đẻ vì họ không có con.
Con cọp ngày càng lớn, quấn quýt hai vợ chồng người dân chài không khác gì đứa con họ rứt ruột đẻ ra, hễ họ đi chài, đi lưới về gần tới căn chòi nát thì đã thấy cọp ngồi trên bờ sông trông ngóng, đuôi vẫy qua lại tỏ vẻ mừng rỡ. Người và cọp sống cùng nhau hơn chục năm, những xóm nhà gần đó hay tin đến xem, ai cũng nói con cọp hiếu nghĩa.
Thêm một thời gian thì cả hai vợ chồng đều già yếu, bệnh tật, không thể đi chài lưới được nữa. Từ đó, cọp ngày ngày đi săn thú, mang thức ăn về cho cha mẹ nuôi, khi hai ông bà đau yếu thì cọp thường bơi qua sông đến các xóm nhà tìm thầy thuốc đưa về trị bệnh cho cha mẹ. Nhưng vì tuổi cao sức yếu, bệnh nặng, nên cả hai ông bà lần lượt qua đời. Người ta kể rằng, ngày cha mẹ nuôi qua đời, con cọp gào rống thảm thiết và nằm phủ phục bên quan tài cha mẹ.
Sau khi làng xóm giúp chôn cất cha mẹ nuôi xong, cọp cũng bỏ đi mất dạng, không ai biết đi đâu. Nhưng một điều kỳ lạ là hàng năm đến đúng ngày giỗ của cha mẹ nuôi, cọp đều vác heo rừng, nai, mễn về đặt trước mộ cha mẹ như để cúng tế và nằm phục suốt ngày bên hai ngôi mộ, khiến mọi người chứng kiến đều cảm động. Cho đến một năm, cọp mang quà về đám giỗ cha mẹ nuôi xong không thì chịu ra đi, suốt ngày chỉ quanh quẩn ở hai ngôi mộ, không chịu ăn uống gì hết.
Một đêm, người ta thấy cọp đi quanh mộ cha mẹ nuôi ba vòng rồi rống lên thảm thiết, sau đó nằm phủ phục bên mộ. Đến sáng, mọi người thấy con cọp vẫn nằm im, bèn ra xem thì con cọp hiếu nghĩa đã chết tự lúc nào. Thương con cọp hiếu nghĩa, dân làng chôn cất cọp cạnh mộ cha mẹ nuôi và sau đó lập miếu thờ, từ đó cù lao này có tên là cù lao ông Hổ.
Một câu chuyện cọp trả ơn khác xảy ra trên vùng rừng núi Thất Sơn, An Giang, gắn liền với huyền thoại của Phật thầy Tây An Đoàn Minh Huyên và đệ tử của Ngài là ông Tăng chủ Bùi Thiền sư. Số là ngày trước, Phật thầy Tây An giao cho ông Tăng chủ Bùi Thiền sư khai khẩn đất hoang, mở một trại ruộng ở Phước Điền thuộc xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên. Hồi đó, vùng này cọp rất nhiều, thường xuyên về quấy phá trại ruộng, khiến ông Tăng chủ Bùi Thiền sư phải đích thân xuất trận đánh đuổi cọp. Nhiều lần như vậy, đám cọp nhỏ không dám bén mảng đến trại ruộng nữa.
Nhưng một hôm, có một con cọp vằn to lớn đến trước cửa trại gào rống, ai đuổi con cọp cũng không đi mà chờ cho bằng được Bùi Thiền sư xuất hiện, nó mới chịu phóng tới giao tranh. Hai bên đấu với nhau ngót nửa ngày thì con cọp vằn hung dữ bị Bùi Thiền sư hạ đo ván, không đứng dậy nổi.
Thay vì hạ sát con cọp để trừ hậu họa, ông Tăng chủ Bùi Thiền sư ôn tồn gõ gậy lên đầu con cọp đang nằm im chờ chết, tuyên bố tha mạng cho nó, nhưng từ nay về sau, nó và bầy cọp lâu la không được đến phá trại ruộng nữa. Con cọp gục gặc đầu như hiểu ý của ông Tăng chủ rồi lủi thủi đi vào rừng, từ đó về sau cọp không còn phá trại ruộng mà lâu lâu lại cõng heo rừng, nai, mễn đến tận cổng trại tặng cho ông Tăng chủ. Nhưng chuyện chưa dừng ở đó.
Một hôm, Phật thầy Tây An và ông Tăng chủ Bùi Thiền sư đi xa về thì thấy một con cọp bạch to lớn ngồi buồn thiu trước sân trại, tỏ vẻ mệt mỏi. Nhìn qua con cọp, đức Phật Thầy Tây An biết đây là con cọp chúa và nó đang bị bệnh nên mới mò tới trại để cầu cứu, nên Phật Thầy gọi ông Tăng chủ đến xem bệnh cho con cọp bạch.
Ông Tăng chủ xem xét hồi lâu thì phát hiện cọp bạch bị hóc xương ở cổ, nên ông bảo cọp cúi đầu xuống. Con cọp nghe lời, vừa cúi đầu xuống thì ông Tăng chủ bất ngờ đấm vào cổ nó một cú đấm, con cọp há miệng, hộc lên một tiếng và cục xương bắn vọt ra ngoài. Hết đau đớn, con cọp bạch ngước mắt nhìn ông Tăng chủ tỏ ý biết ơn, gật đầu ba lần rồi rón rén bước vào rừng sâu. Vài hôm sau, con cọp bạch cõng đến trại một con heo rừng thật lớn đặt trước cửa để đền ơn ông Tăng chủ.
Từ khi ông Tăng chủ cứu chúa của đàn cọp, lũ cọp trong những khu rừng quanh trại không còn bén mảng tới phá quấy dân chúng trong vùng. Mỗi khi ông Tăng chủ vào rừng thì lũ cọp đều lũ lượt đi theo ông như chó nhà theo chủ đi rừng. Về sau, con cọp bạch già chết, ông Tăng chủ và ông Đình Tây hay tin, cất một cái miếu nhỏ tại đình làng gần chùa Thới Sơn để thờ, và cho biết cọp bạch là Sơn quân, người cai quản núi rừng. Chính vì vậy mà ngày xưa trong vùng này, các đình làng thường có ngôi miếu thờ Sơn quân có hình tượng con cọp bạch.
Tại tỉnh Cà Mau, nhiều người còn truyền miệng chuyện bà Mụ Trời đỡ đẻ cho cọp. Đó là một chuyện hy hữu, khó tin nhưng có thật. Bà mụ tên thật là Trần Thị Hoa, tục gọi là bà mụ Tư làm nghề hộ sanh, nhà ở Rạch Bần, thuộc quận Cái Nước, là người nhân đức nổi tiếng khắp vùng. Hồi đó, vùng này cọp nhiều vô kể, nên hễ mặt trời lặn thì ai ở nhà nấy, rồi cửa đóng then cài, vì ai cũng sợ bị cọp bắt ăn thịt.
Một bữa nọ, bà Tư đi hộ sinh cho một sản phụ bị sanh khó ở xóm bên nên về muộn, lúc trời đã nhá nhem tối. Sợ bất trắc, người chồng của sản phụ phải mướn bốn người trai tráng đưa bà mụ Tư về. Khi đi gần tới nhà, mọi người bỗng nghe tiếng cọp hộc rất lớn, khiến ai cũng kinh hãi, tay chân bủn rủn, dưới ánh đuốc lá dừa, ai nấy mặt mày xanh lè.
Con cọp ngồi cạnh vách nhà xông ra đường, nhào vào giữa đám tráng đinh, chụp bà mụ Tư bỏ lên lưng cõng, chạy mất dạng vào rừng. Bốn tráng đinh lập tức trở về báo cáo bà mụ Tư đã bị ông cọp bắt ăn thịt, khiến mọi người khóc than thảm thiết, chia nhau đốt đuốc đi tìm xác nhưng không gặp.
Sáng hôm sau, trong lúc mọi người đang loay hoay tổ chức đám tang cho bà mụ Tư thì thấy con cọp cõng bà trên lưng thả xuống trước sân nhà, thân hình vẫn còn nguyên vẹn. Ai nấy ngạc nhiên, bà mụ Tư ôn tồn kể lại sau khi bị cọp cõng đi, con cọp chạy tuốt vào rừng sâu, đưa bà đến ổ của nó.
Tại đây, có một con cọp cái đang mang thai, quằn quại đau đớn vì sinh khó. Con cọp đặt bà mụ Tư xuống đất, gục gặc đầu ra ý nhờ bà mụ đỡ đẻ cho vợ cọp. Loay hoay cả buổi trong đêm bà mụ Tư mới đỡ đẻ cho vợ cọp mẹ tròn con vuông, xong việc, cọp đực cõng bà mụ Tư đưa về nhà. Từ đó về sau, hai vợ chồng cọp săn được con thú ngon nào đều mang đến tận cửa nhà để đền ơn bà mụ Tư, và hai vợ chồng cọp cùng các con không bao giờ quấy phá người dân trong xóm của bà mụ Tư. Người ta còn kể, ngày bà mụ Tư mất, hai vợ chồng cọp còn dẫn bầy con đến phủ phục trước cổng nhà như để chịu tang, rồi sau đó bỏ đi mất biệt.
Nhiều người nói rằng, từ những câu chuyện dân gian, những huyền thoại về cọp ở miền Tây Nam bộ đã dẫn đến tục lệ thờ ông Cọp trong dân gian. Cọp ngoài đời là con vật hung dữ, nhưng khi thể hiện qua hình tượng nghệ thuật, cọp còn mang cả yếu tố tâm linh, được thần thánh hóa, vẽ thành tranh thờ cúng.
Người miền Tây Nam bộ đến nay vẫn tôn thờ cọp, hoặc kiêng kỵ cọp, như gọi cọp là Ông để tránh xưng danh cọp: cọp ưa đi đêm gọi là Ông Ba mươi, cọp ba chân gọi là Ông Ba cụt, cọp ba móng gọi là Ông Ba ngoe, cọp thành tinh gọi là Ông Chằng hay Ông Kẹ. Cọp còn được thờ phụng như Chúa sơn lâm hay Sơn thần.
Dân gian có tục lệ là vào ngày mồng ba tết nguyên đán, sau khi cúng đưa ông bà xong, thường dán trước cửa nhà mảnh giấy hồng điều có hình cọp với lòng tin là Ông Ba mươi sẽ trấn giữ không cho những thứ hiểm độc vào nhà. Ông già, bà cả còn truyền dạy: nếu trẻ con khóc đêm thì người mẹ phải lén “ăn trộm” hình vẽ Chúa sơn lâm để trong gối nằm của trẻ thì chúng sẽ hết khóc.
Trong tín ngưỡng dân gian có nhiều tranh để thờ hổ như Hắc hổ, Bạch hổ, Ngũ hổ. Tranh Ngũ hổ còn gọi là tranh Ông Năm Dinh, tượng trưng cho năm vị thần tướng ngự trị ngũ phương, dân gian vẽ thành năm màu: Hoàng hổ tướng quân màu vàng trấn nhậm trung tâm, Hắc hổ tướng quân màu đen trấn nhậm phương Bắc, Bạch hổ tướng quân màu trắng trấn nhậm phương Tây, Xích hổ tướng quân màu đỏ trấn nhậm phương Nam, Thanh hổ tướng quân màu xanh trấn nhậm phương Đông.
Nhưng dù sao thì các bậc tiền nhân cũng quả quyết rằng, con cọp không bao giờ tấn công con người trước mà chỉ có con người lấn chiếm giang sơn, phá rừng, săn bắn cạn kiệt nguồn thức ăn của cọp, thậm chí tàn sát cọp để lấy da làm đồ trang sức, lấy xương nấu cao hổ cốt nên dần dà giữa con người và con cọp đã nảy sinh sự đối đầu quyết liệt.