Những đứa trẻ được thú hoang nuôi dưỡng giờ ra sao?
Cuộc sống gia đình không hạnh phúc, cha giết mẹ, bố bán con khiến những đứa trẻ "bần cùng hóa" phải lựa chọn cuộc sống không nói, không cười cùng bầy thú hoang dã.
Mỗi đứa trẻ sinh ra có số phận và cuộc đời khác nhau. Ai cũng mong muốn chúng được sống trong căn nhà hạnh phúc dưới tình yêu thương bao la của người cha người mẹ.
Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng may mắn như thế, hàng năm trên thế giới có hàng trăm những đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi, thậm chí có những bé phải lưu lạc vào rừng xanh, sống chung với thế giới động vật hoang dã và trở thành "những đứa trẻ rừng xanh".
Cách đây ít ngày, báo chí địa phương đăng tải câu chuyện phát hiện một cô bé người đầy vết thương không thể nói chuyện, đi lại như người bình thường. Tất cả những gì cô bé có thể làm là rít lên để giao tiếp và di chuyển bằng tứ chi khi đang chơi đùa khá thoải mái cùng bầy khỉ trong khu bảo tồn thiên nhiên hoang dã Katarniaghat ở Bahraich, phía Bắc Ấn Độ (gần với biên giới Nepal).
Giới chức địa phương cho rằng rất có thể cô bé là hậu quả của một hủ tục trọng nam khinh nữ nên bị gia đình bỏ rơi.
Trên thực tế, đây không phải là trường hợp đầu tiên, mà trước đó đã có rất nhiều đứa trẻ sống trong một gia đình không hạnh phúc và phải lựa chọn cho mình một cuộc sống chung với động vật hoang dã.
Cha mẹ bỏ mặc, Oxana Malaya tìm đến sống cùng bầy chó hoang
Theo Alchetron, năm Oxana Malaya lên 3 tuổi, cha mẹ cô bé quá nát rượu nên đã bỏ mặc, không mảy may quan tâm, tìm con gái thất lạc.
Oxana lang thang tìm kiếm nơi ở cho mình thì bất ngờ lạc vào căn nhà cũ gồm một bầy chó hoang. Cô bé nhanh chóng được chào đón và tiếp nhận những phản xạ tự nhiên của loài chó: không nói, không biết giao tiếp và hú lên những tiếng của loài chó hoang.
Oxana Malaya sống cùng bầy chó hoang từ khi 3 tuổi. Ảnh: Alchetron
Mãi cho đến năm 1991, cuộc sống bên bầy chó hoang của Oxana mới chấm dứt khi dân quanh vùng báo cảnh sát về một đứa trẻ sống cùng bầy thú. Thời điểm đó cô bé đã được 8 tuổi.
Oxana được chuyển đến nhà nuôi dưỡng trẻ em bị khuyết tật về tâm thần ở Barabol (vùng nông thôn Ovidiopol Raion của Odessa Oblast). Cô trải qua nhiều năm trị liệu chuyên môn và giáo dục để giải quyết các vấn đề hành vi, xã hội và giáo dục của mình. Khi trưởng thành, Oxana đã được dạy cách kiềm chế hành vi giống như loài chó của mình, học cách nói trôi chảy, đi thẳng lưng, ăn bằng 2 tay.
Ảnh: Alchetron
Thế nhưng, ngôn ngữ của cô cũng rất khác người. Trong cách nói của Oxana không có ngữ điệu, không sắc thái tình cảm, lúc nào cũng đều đều và vô hồn.
Bị cha đẻ đem bán, Marcos Rodriguez Pantoja sống cùng bầy sói hoang
Khi còn nhỏ, cha đẻ của Marcos vì hoàn cảnh nghèo túng đã bán anh cho người chủ đất giàu có. Người này sau đó giao cậu bé lại cho lão già chăn dê già ở dãy núi Sierra Morena. Tại đây, Marcos được dạy những kỹ năng bảo vệ bản thân, đối mặt với cuộc sống hoang dã và cả cách săn bắt thú rừng.
Marcos tự lựa chọn cho mình cuộc sống cùng bầy sói hoang. Ảnh: Alchetron
Sau khi người chủ bầy dê qua đời, Marcos quyết định ở lại dãy núi sinh sống, cắt đứt liên lạc với thế giới bên ngoài. Sau một lần chơi đùa cùng các chú sói con và theo chúng về hang động, Marcos bắt đầu hòa nhập với cuộc sống của loài sói.
Nhận được sự cho phép của sói mẹ, Marcos chính thức trở thành thành viên của bầy, cùng chúng đi săn và hình thành tập tính ăn uống như loài vật này. Từ đó, cậu bé ngừng nói tiếng người và chuyển sang những âm thanh động vật cùng tiếng gào rú đặc trưng của sói.
Morcos trải qua 12 năm sinh sống như thế trong rừng sâu và được lực lượng Guardia Civil tìm thấy và ép trở về cuộc sống con người.
Ảnh: Alchetron
Dù đã trở lại thế giới loài người vài chục năm nhưng Marcos vẫn không thể hoàn toàn hòa nhập. Anh cho rằng cuộc sống hiện tại quá khó khăn nếu không có tiền, khác hẳn quy luật muốn ăn được ăn, muốn uống được uống nơi hoang dã.
Trước nhiều nghi vấn về những lời kể của Morcos là không thật, một hãng truyền hình đã tìm gặp anh để lên ý tưởng chuyển thể thành bộ phim Entrelobos (tên tiếng Anh là Among Wolves).
Khủng hoảng vì chứng kiến cha giết mẹ, John Ssebunya trốn vào rừng
Theo Molly And Paul, năm 1988, sau khi chứng kiến cảnh cha đẻ nhẫn tâm giết chết mẹ, cậu bé John Ssebunya (lúc đó 3 tuổi, sống ở làng Bombo, Uganda) chịu khủng hoảng tinh thần rất lớn. John đã bỏ trốn khỏi nhà, vào rừng xanh sâu. Ở đó, cậu bé được một bầy khỉ nuôi dưỡng và dạy những kĩ năng tồn tại trong môi trường hoang dã, dạy những tập quán sinh sống của loài khỉ.
John Ssebunya trốn vào rừng và sống cùng bầy khỉ. Ảnh Molly And Paul
Đến năm 1991, cậu bé được một người phụ nữ phát hiện và báo cáo với chính quyền địa phương. Qua lời kể của các nhà tài liệu học, bầy khỉ đã ném đá và gậy vào người dân khi họ cố gắng mang John đi như thể bảo vệ “đứa con” của chúng.
John được đưa về làng trong tình trạng đầu gối trắng, trơn nhẵn vì di chuyển bằng cách bò giống như động vật, trong khi các móng tay rất dài và cuộn thành vòng tròn. John còn bị suy dinh dưỡng nặng, mọc lông khắp người, không thể ăn thức ăn nấu chín và cơ thể có nguy cơ bị mắc bệnh.
Thật may mắn, số phận đã mỉm cười với John. "Cậu bé rừng xanh” có thể học nói tiếng người khá tốt. Cậu thậm chí còn kể lại được phần đời mình sống trong rừng, được lũ khỉ nuôi nấng, dạy cách leo trèo, tìm kiếm thức ăn.
John cho biết, cậu rất sợ cuộc sống hiện tại trong gia đình có người cha giết mẹ nên không muốn quay trở lại nữa. "Thật đáng sợ nên tôi đã trốn vào rừng. Sau đó tôi nhìn thấy bầy khỉ và chính chúng đã cung cấp thức ăn hàng ngày cho tôi. Tôi cảm nhận được rằng gia đình khỉ rất yêu quý tôi".
Cuối cùng, John được một gia đình người Anh nhận nuôi và chuyển tới Anh năm 21 tuổi.
Hình ảnh hiện tại của John.
*Bài viết tham khảo thông tin từ Molly And Paul, Alchetron
Theo Vũ Nga (Khám phá)