Rồng Komodo giết người như thế nào?
Đã từ lâu chúng ta cho rằng rồng Komodo giết người bằng vi khuẩn đầy trong miệng của nó, nhưng điều đó hoàn toàn không đúng.
Vốn là loài ăn thịt hung dữ, rồng Komodo "sở hữu" bộ hàm cực khỏe, hàm răng cưa giống răng cá mập; đặc biệt, loài "hậu duệ của khủng long" này cực kỳ “phàm ăn”. Thức ăn của chúng cũng vô cùng phong phú, chủ yếu là côn trùng, lợn lòi hoang dã, hươu nai nhỏ… Đôi khi, rồng Komodo còn ăn thịt chính đồng loại của mình nếu không tìm thấy con mồi nào. Quả là đáng sợ phải không nào?
Trước đây, người ta cho rằng Komodo giết chết con mồi bằng các vi khuẩn trong miệng mình, nhưng những nghiên cứu gần đây đã đưa ra câu trả lời khác. Với các thiết bị chụp cộng hưởng, các nhà khoa học thuộc Trường Đại học New South Wales (Úc) đã khẳng định, trong cơ thể rồng Komodo có chứa tuyến chất kịch độc tương đương với nọc một số loài rắn độc khác trên thế giới. Điều đó ghi nhận Komodo là loài thằn lằn thứ ba trên thế giới được phát hiện chứa độc, hai loài khác là thằn lằn da hột và thằn lằn Gila monster- sinh sống chủ yếu ở Mexico và các bang phía nam nước Mỹ.
Rồng Komodo săn mồi bằng cách cắn và “tiêm” chất độc vào cơ thể con mồi. Vì thân hình cồng kềnh nên chúng sẽ để con mồi bỏ chạy. Tuy nhiên, con mồi đó sẽ dần bị tê liệt do tác dụng của nọc độc. Loại nọc này tác động rất nhanh vào con mồi, gây sốc, đau quặn ở bụng, giảm huyết áp và thân nhiệt, tăng lưu thông máu.
Môi trường sống của rồng Komodo vô cùng khắc nghiệt đối với con người: Chúng sống trên những đảo núi lửa khô cằn, trong các khu rừng và đồng cỏ xavan cây bụi. Với sự kén chọn như vậy, thật không mấy khó hiểu khi trên thế giới chỉ còn khoảng 3.500 cá thể sinh sống chủ yếu ở vườn quốc gia Indonesia, nơi có khí hậu vô cùng thuận lợi cho sự sinh sản và phát triển của loài.
Bryan Fry thuộc Đại học Queensland, Australia được giao nhiệm vụ tìm ra chính xác loại vi khuẩn nào trong miệng rồng Komodo gây ra cái chết của nạn nhân.
Theo như nghiên cứu của Fry, trong miệng của rồng Komodo có rất nhiều loại vi khuẩn. Điều đáng nói là những vi khuẩn đó cũng được tìm thấy trong miệng những loài thằn lằn khác sống ở Indonesia, nhưng không một loại nào trong số đó có thể gây ra tình trạng thoái hóa mô nhanh chóng và mất máu như vết cắn của rồng Komodo gây ra cho nạn nhân.
Thực tế là rồng Komodo là loài động vật có độc rất đặc biệt. Trên những hình ảnh cộng hưởng từ chụp não của rồng, người ta phát hiện ra 2 tuyến độc nhỏ ở hàm dưới.
Trong phân tích của Fry, chất độc tại 2 tuyến độc này gồm một vài loại protein độc. Nó là nguyên nhân gây nên tình trạng mất máu nhanh chóng, ngăn không cho máu dồn cục, liệt và gây ra hiện tượng đau đớn cùng cực.
Đây chính là lý do mà vết cắn của nó lại trở nên đáng sợ như thế.
Theo Laodong.com.vn