Sáng 28/9, Bảo tàng thành phố Cần Thơ đã cử chuyên viên xuống nhà anh Trần Văn Út (ngụ phường An Bình, Quận Ninh Kiều), người phát hiện được xương hàm cá sấu trên sông Cái Răng, để thỏa thuận việc đưa phần xương hàm cá sấu đi giám định và sau đó đưa về Bảo tàng thành phố Cần Thơ để trưng bày.
Phần xương hàm trên cá sấu vừa vớt được. (Ảnh VnExpress)
Trước đó, anh Trần Văn Út trong khi mò cá dưới sông bất ngờ phát hiện được một phần xương đầu hàm trên cá sấu nước ngọt khổng lồ (ngang 50cm dài hơn 90cm, nặng hơn 10kg) trên sông Cái Răng thuộc khu vực xóm Đáy, Vàm Đầu Sấu và được nhận định hiện vật có thể hơn 100 tuổi.
Trao đổi với ông Huỳnh Đỉnh Chung, Giám đốc Bảo tàng thành phố Cần Thơ xung quanh tuổi thọ của hàm cá sấu trên, ông Chung cho biết, nếu dựa theo kích thước của phần xương hàm vừa phát hiện thì con cá sấu này khoảng 100 tuổi, còn nếu biết chính xác hơn thì phải đưa bộ xương hàm này đi giám định thì mới biết kết quả chính xác.
Ông Chung cũng cho biết, trước mắt phía Bảo tàng thành phố Cần Thơ sẽ thỏa thuận với anh Út để nhanh chóng đưa phần xương hàm cá sấu lên Thành phố Hồ Chí Minh giám định tuổi thọ nhằm xác định phần xương hàm này có giá trị gì hay không. Sau khi có kết quả chính xác, bộ xương sẽ được Bảo tàng thành phố Cần Thơ triển lãm, trưng bày phục vụ cho người dân tham quan chiêm ngưỡng.
Tuy nhiên, chủ nhân của bộ xương hàm cá sấu vẫn chưa có ý định bàn giao lại bộ xương cho phía Bảo tàng Cần Thơ do hai bên chưa thỏa thuận được giá cả.
Một số người dân sinh sông lâu năm ở khu vực Vàm Đầu Sấu cho rằng, phần xương hàm cá sấu do anh Trần Văn Út vớt được không phải là xương hóa thạch nên không có giá trị về mặt kinh tế mà chỉ có giá trị về mặt lịch sử và phục vụ cho việc nghiên cứu quá trình hình thành và phát triển vùng đất, cũng như quá trình sinh tồn và diệt vong của loài cá sấu này.
Khu vực trên từ lâu đã tồn tại nhiều địa danh liên quan đến loài cá sấu này như rạch Đầu Sấu, cầu Đầu Sấu, Vàm Đầu Sấu... Việc anh Út vớt được phần xương hàm cá sấu trên càng củng cố thêm giá trị về mặt lịch sử cho vùng đất này, vì trước kia khu vực này đã từng có loài cá sấu nước ngọt sinh sống nhưng do một biến cố loài cá sấu này đã bị diệt vong.