Khám phá thú vị về loài ngỗng
Loài ngỗng có tên khoa học là Anserinae. Không chỉ là thực phẩm khoái khẩu của nhân loại, còn nhiều điều thú vị về loài ngỗng mà không phải ai cũng biết.
Ngỗng là một loài gia cầm được nuôi phổ biến ở Việt Nam và phân bố rộng rãi khắp cả nước. Chúng có 2 màu lông chính là lông trắng và lông xám. Ngoài ra còn có ngỗng loang xám trắng do sự pha tạp giữa 2 loại này.
Loài ngỗng đã được thuần hóa ở châu Âu, Bắc Phi và châu Á từ thời cổ đại. Đây là gia cầm được nuôi để lấy thịt, trứng và lông. Ngoài ra, nó còn được nuôi để trông giữ nhà cửa.
Về ngoại hình, ngỗng có đầu nhỏ, cổ dài và mảnh. Con cái nặng từ 3,8kg – 4,2kg, mỗi năm khoảng 26 – 35 quả, con trống nặng từ 4,0kg – 4,5kg. Ngỗng chịu kham khổ tốt và có khả năng kháng bệnh cao hơn các giống ngỗng ngoại như ngỗng sư tử, ngỗng Hungari cải tiến.
Ngỗng là loại gia cầm ăn tạp. Chúng ăn từ cỏ tranh đến lục bình. Các loại thức ăn được sử dụng trong chăn nuôi ngỗng bao gồm rau, bèo, cỏ, củ, quả, ngô, thóc, đậu tương, lạc, khoai lang, sắn củ bỏ vỏ, bí đỏ…
Đây cũng là loại gia cầm có khả năng tăng trọng rất nhanh. Chỉ sau 10 – 11 tuần nuôi, trọng lượng cơ thể đã tăng gấp 40 – 45 lần so với khối lượng trọng lượng của nó lúc mới nở.
Một số giống ngỗng cho năng suất thịt và trứng như ngỗng Trung Quốc (hay còn gọi là ngỗng sư tử), ngỗng cỏ (hay còn gọi là ngỗng sen), ngỗng Hungari, ngỗng Reinland, ngỗng xám.
Ngỗng ít mắc bệnh nhưng nếu nuôi với số lượng lớn, ngỗng có thể mắc một số bệnh như bệnh tụ huyết trùng, bệnh phó thương hàn, bệnh cắn lông, rỉa lông.
Theo kienthuc