Các nhà khoa học cho rằng, ô nhiễm làm thay đổi giai điệu của chim đực và khiến chúng hót hay hơn. Sự thật này dẫn tới xu hướng “thích ô nhiễm” của các loài chim và các tác hại không nhỏ đối với chúng.
Các nhà khoa học tập trung vào các con chim sáo đá hoang ở châu Âu, loài có thức ăn là các con giun đất trong khu vực có rất nhiều nhà máy nước thải. Khu vực này bị ô nhiễm bởi các chất hóa học có tính chất giống với estrogen (loại hoocmon tiết ra từ cơ quan sinh dục nữ).
Sau khi xác định loại chất độc các chú chim ăn phải, nhà sinh thái học Shai Markman đến từ đại học Cardiff, xứ Wales và các đồng nghiệp của ông đã thí nghiệm trên các con chim sáo đá. Có 2 nhóm thí nghiệm: một nhóm ăn giun sạch và một ăn giun bị nhiễm các chất ô nhiễm tương tự ở nhà máy xử lý chất thải.
Một chú chim sao đá đang hót. (Ảnh: Livescience)
Các nhà nghiên cứu cho hay chất ô nhiễm đã tác động và mở rộng đáng kể khu vực não bộ phức tạp điều khiển chức năng hót của chim đực. Những con đực này hót thường xuyên hơn, “sáng tác” ra các bài hát dài hơn, phức tạp hơn khiến chim cái rất thích thú.
Nhưng cũng thật không may, các chất ô nhiễm đe dọa sức khỏe của các chú chim, giảm khả năng miễn dịch của chúng. Do đó, các chú chim cái phải lựa chọn: hoặc những con chim đực to khỏe hoặc hót hay.
“Kết quả nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra chim cái thích giao phối với các con chim là nạn nhân của ô nhiễm hơn”, bà Buchana nói trên LiveScience. “Điều đó rất nguy hiểm vì chúng ta hiểu rõ mức độ mà ô nhiễm ảnh hưởng tới chức năng miễn dịch. Và rất có thể nó còn ảnh hưởng tới giống nòi và khả năng sinh sản của chim. Ô nhiễm sẽ đe dọa nghiêm trọng tới số lượng của các loài chim".
“Và điều chắc chắn rằng tất cả các loài chim đều bị tác động theo một cách giống nhau”, bà Buchana nói thêm.
Ảnh hưởng của các chất ô nhiễm trên chim cái vẫn chưa rõ ràng nhưng chúng dần bị nam tính hóa, với việc bắt đầu hót khi những con chim cái bình thường không hót.