Thế giới của những loài hút máu

 Mặt trời hắt những tia nắng cuối cùng trong ngày xuống một khu rừng nhiệt đới. Những con bò và ngựa trong một trang trại gần đó bắt đầu ngủ gà ngủ gật và đây là thời điểm hàng nghìn con dơi ma cà rồng bay ra khỏi hang để đi tìm mục tiêu.

Dơi ma cà rồng 
 
Người dân ở các vùng có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm tại Trung Mỹ và Nam Mỹ không lạ gì dơi ma cà rồng. Đó không phải là hậu duệ của bá tước Dracula, mà là những con dơi hút máu. Chúng có kích thước nhỏ hơn một con chuột, nhưng sở hữu những chiếc răng cực kỳ sắc nhọn. 
 
Dơi cạo lông con vật bằng răng, để lộ ra một mảng da nhỏ. Chúng tạo ra một vết cắn nhỏ trên da và một giọt máu hiện ra. Dơi lấy vào cơ thể khoảng 2 thìa máu trong một lần hút. Trong suốt quá trình ấy, con vật thường ngủ và không bao giờ biết rằng nó đang trở thành bữa tiệc của dơi. 
 
Đối với con người, hút máu để sống là một hiện tượng kỳ dị. Nhưng dơi ma cà rồng không phải là động vật duy nhất tồn tại nhờ máu. Mặc dù hút máu là hành vi đáng kinh tởm và nguy hiểm, song máu lại là thứ chất lỏng giàu dưỡng chất và dễ kiếm. Điều đó giải thích tại sao nhiều động vật chọn máu làm thức ăn. Chúng sống ở khắp nơi, thậm chí ngay gần bạn.
 
 
Một con dơi hút máu tại Trung Mỹ. (Ảnh: National Geograohic)
 
Đỉa 
 
Dơi ma cà rồng chỉ sống ở những vùng nhiệt đới, còn đỉa có ở khắp nơi. Những con đỉa nước ngọt có thân hình giống sâu với hai miệng trên cơ thể. Mỗi chiếc miệng là một ống hút công suất lớn, cho phép đỉa bám chặt vào mục tiêu. Đỉa thường tấn công cá và động vật bò sát. Nếu gặp người chúng cũng không ngán. 
 
Đỉa sử dụng những chiếc răng sắc nhọn hoặc vòi hình kim để chọc thủng da trước khi hút máu. Chúng có thể trữ một lượng máu gấp vài lần khối lượng cơ thể. Khi no, đỉa rời khỏi con mồi. 
 
Một con đỉa phình to bởi máu là một hình ảnh đáng sợ. Tuy nhiên, chúng không hoàn toàn là động vật có hại. Bác sĩ hiểu rõ nhất lợi ích của đỉa. Đôi khi chúng ta nhìn thấy họ đặt vào con đỉa lên da bệnh nhân để cầm máu. 
 
Đỉa có khả năng tạo ra một loại hóa chất giúp ngăn chặn hiện tượng đông máu. Các nhà khoa học đang nghiên cứu hóa chất này với hy vọng sử dụng nó để điều trị bệnh tim. Nếu họ thành công, hàng trăm triệu người trên Trái đất sẽ biết ơn loài đỉa và không mong chúng bị tuyệt chủng nữa. 
 
Rệp, bét và tích 
 
Một số côn trùng hút máu – như rệp và bọ chét – có thể xuất hiện trong nhà của bạn. Với kích thước nhỏ xíu, chúng có thể ẩn nấp khắp nơi mà không bị phát hiện. Phần lớn bét hút máu, nhưng không phải tất cả. Chúng có thể vào nhà bạn bằng cách bám vào côn trùng hoặc thú nuôi. Vết cắn của chúng không nguy hiểm, nhưng gây ngứa. 
 
Rệp thì thích những nơi ấm áp, dễ chịu như chiếc nệm trên giường. Khi rệp mò ra ngoài vào nửa đêm để kiếm ăn thì chắc chắn một cơ thể nóng hổi đã nằm trên đệm từ bao giờ và đang chìm sâu vào giấc ngủ. Giống như đỉa, rệp có thể tích trữ một lượng máu gấp nhiều lần khối lượng cơ thể. Vết cắn của chúng khiến da sưng nhẹ vì ngứa, nhưng chúng không gieo rắc bệnh tật.
 
 
Tích thường ẩn nấp trong các tán lá thấp, bụi rậm hoặc bãi cỏ cao. 
(Ảnh: bioweb.edu)
 
Những người đi rừng hay leo núi không hề thích con tích. Là động vật thuộc lớp nhện, tích sống ở các khu vực nhiều cây cối. Chúng ẩn náu ở các tán lá thấp hoặc bãi cỏ cao. Tích không có khả năng nhảy hoặc bay. Chúng chỉ biết bò và rất giỏi trong việc chờ đợi con mồi. 
 
Tích có thể chờ bữa ăn của chúng trong nhiều ngày, thậm chí hàng năm. Khi một con vật hoặc người đi qua, chúng bám vào và bắt đầu làm việc. Tích phải mất vài ngày để hút no máu và con mồi không hề biết tới sự hiện diện của chúng trên cơ thể. 
 
Một con tích nhỏ xíu có thể trở thành mối họa lớn, bởi chúng gieo rắc một số loại bệnh lên cơ thể con mồi. Vì thế, khi dã ngoại trong rừng hoặc leo núi, bạn nên tránh những bụi rậm hoặc bãi cỏ cao. Bạn cũng nên đeo tất dài và kiểm tra quần áo sau khi kết thúc chuyến đi. 
 
Muỗi cái 
 
Bạn có thể không biết con tích, nhưng chắc chắn ai cũng biết muỗi. Chúng ta thường nghĩ tới hành vi hút máu khi nhìn thấy muỗi, nhưng thực ra thức ăn chính của chúng là trái cây và mật hoa. Trong phần lớn thời gian của cuộc đời, muỗi chỉ quanh quẩn gần hoa và cây giống như những con bướm vô hại khác. 
 
Chỉ đến khi muỗi cái giao phối thì mọi thứ khác hẳn. Chúng biến thành một kẻ khát máu lúc nào không hay. Nhưng chúng không hút máu vì bản thân. Thay vào đó, máu được dành cho thế hệ sau của muỗi, bởi thứ chất lỏng ấy cung cấp protein cần thiết đối với trứng muỗi. 
 
Vòi của muỗi có 6 đầu nhỏ hình kim để chọc thủng da. Một số loài muỗi có nhiều gờ hình lưỡi cưa. Chúng giúp muỗi tạo ra vết cắt lớn hơn. Máu chảy vào một ống dài trong vòi muỗi, đồng thời chúng tiết nước bọt qua một ống khác. Một hóa chất trong nước bọt khiến vết cắt trên da không thể khép lại. 
 
Con người nghĩ ra nhiều cách để chống muỗi, như mắc màn, mặc quần áo dài khi ra ngoài. Bình minh và hoàng hôn là hai thời điểm mà muỗi hoạt động mạnh nhất. Khi nghe thấy tiếng vù vù bên tai, bạn nên sẵn sàng giơ tay để đập chúng. 
 
Với loài người, muỗi thực sự là sinh vật khó chịu. Chúng có thể làm lây bệnh từ người này sang người khác. Sốt rét và virus West Nile chỉ là hai trong số những bệnh mà muỗi có thể gây ra. Cách đây không lâu sốt rét từng là căn bệnh giết nhiều người nhất tại Mỹ. Tại châu Phi và nhiều khu vực khác, sốt rét vẫn là căn bệnh phổ biến. Nó giết chết ít nhất một triệu người mỗi năm. 
 
Và nhiều loài khác
 
 
Hai con chim tích mỏ vàng kiếm ăn trên lưng một con tê giác tại châu Phi. 
(Ảnh: utexas.edu)
 
Không nhà khoa học nào có thể liệt kê tất cả những sinh vật hút máu, bởi chúng quá nhiều. Khoảng 14.000 động vật chân đốt tồn tại bằng cách hút máu, trong đó có nhiều loài bướm và bọ chét. Thậm chí một số loài chim cũng hút máu, như chim ăn tích (sống ở châu Phi) và sẻ ma cà rồng. Thức ăn của chim ăn tích là những con tích bám trên động vật và người. Vì thế, trong một chừng mực nào đó, chúng là động vật có ích đối với con người.

(Theo National Geographic)

    Bài cùng chuyên mục

    • Tìm hiểu về các loại chim cảnh được yêu thích

      Nuôi chim cảnh là một thú vui tao nhã của con người. Có thể nói nuôi chim trong nhà vừa sang lại vừa làm cho ngôi nhà bạn trở nên thư giãn, thân thiện với thiên nhiên. Các loại chim cảnh thường nuôi ở Việt Nam gồm:Chào mào, Khướu, Họa mi, Yến Phụng, Sơn ca, Chích chòe, Cu gáy,...

    • Phát hiện ong vò vẽ có hàm răng khổng lồ

      Một con ong vò vẽ đực với hàm răng khổng lồ mà khi mở ra, hàm răng này thậm chí còn dài hơn chân trước của nó, mới được phát hiện trên đảo Sulawesi (Indonesia).

    • Dơi ma cà rồng tìm hút máu con mồi bằng cách nào?

      Một nghiên cứu mới đây cho thấy, dơi ma cà rồng sử dụng những bộ phận cảm biến nhiệt gần mũi cực kỳ nhạy cảm với nhiệt để phát hiện ra nguồn máu.

    • Những loài dơi hiếm ở châu Phi

      Những loài dơi quý hiếm được tìm thấy ở rừng nhiệt đới của các nước châu Phi cho thấy sự phân bố đa dạng của loài dơi ở châu lục này.

    • Loài dơi là nguyên nhân làm bùng phát virus Ebola

      Sự bùng phát lây truyền virus Ebola đã khiến ít nhất 63 người ở Guinea, châu Phi thiệt mạng. Để ngăn chặn dịch bệnh chết người này lây lan, chính quyền Guinea đã ra quyết định cấm người dân tiêu thụ súp dơi và dơi nướng cũng như các món làm từ dơi khác vì đây là nguồn gây bệnh.

    • Những tổ chim khổng lồ giữa sa mạc mênh mông

      Thật kỳ diệu khi loài chim sâu bé nhỏ lại có thể xây các tổ chim khổng lồ, có khi cao vài mét và nặng cả tấn, trên vùng sa mạc rộng lớn Kalahari ở châu Phi.

     
     

    • Thiết kế web

      www.webdesign.vn

      Giải pháp công nghệ phát triển web trực tuyến chuẩn SEO mạnh nhất thế giới hiện nay...

    • Tin kinh tế

      www.tinkinhte.com

      Tin kinh tế, tài chính, chứng khoán, nhà đất, công nghiệp, doanh nghiệp, giao thương,...

    • Tin sức khỏe

      www.tinsuckhoe.com

      Chăm sóc sức khỏe, sức khỏe gia đình, thông tin thuốc, phòng khám, nhà thuốc,...

    • Tin khoa học

      www.tinkhoahoc.com

      Tin khoa học, công nghệ, Hi-Tech, khoa học hình sự, huyền bí, thế giới động vật,...

    • Tin pháp luật

      www.tinphapluat.com

      tin pháp luật, Hình sự, kinh tế, văn bản luật, mẫu văn bản, luật sư, tư vấn luật,...

    Khám phá thế giới động vật, động vật hoang dã: Khủng long, Rắn chuông, Sư tử châu phi, Chó ngao, Đại bàng, Cá mập,...

    Trang chủ   |   Liên hệ   |   Tài trợ - Quảng cáo    |   RSS

    Copyright 2014 -   thegioidongvat.net

    Hotline: 0983 006 168   |   Email: thegioidongvat.net@gmail.com

    Đề nghị đặt liên kết và ghi rõ nguồn "Thế giới động vật .net " khi bạn trích dẫn, đăng lại thông tin từ thegioidongvat.net.