Vẻ bề ngoài nhỏ bé của những chú chuồn chuồn khiến ta lầm tưởng rằng chúng là loài côn trùng hiền lành và vô hại. Trong thực tế, các nhà côn trùng học khẳng định rằng, chính con vật mà ta cho là hiền lành và nhỏ bé đó là một trong những “sát thủ” tàn bạo nhất trong thế giới côn trùng.
Cùng giải mã những bí ẩn về loài côn trùng bé nhỏ này qua nghiên cứu dưới đây.
1. Biết “tính toán” để săn mồi
Việc săn mồi hay bắt giữ một mục tiêu nào đó trong không trung là một việc vô cùng khó khăn, bởi để có thể làm như vậy thì kẻ đi săn phải đoán biết trước hướng đi cũng như tốc độ di chuyển của con mồi. Các công việc này thường chỉ có thể được thực hiện bởi những động vật có hệ thống thần kinh phát triển.
Qua quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học phát hiện ra, thay vì "theo dõi" con mồi của mình cho đến khi bắt kịp với nó, chuồn chuồn sẽ “đánh chặn” chúng. Nói cách khác, chuồn chuồn đảm bảo tiêu diệt con mồi bằng cách bay thẳng đến hướng mà con mồi muốn di chuyển.
Như một “sát thủ chuyên nghiệp”, trong khoảng thời gian mili giây, chúng “tính toán” về khoảng cách của con mồi, hướng nó đang di chuyển, tốc độ bay, góc bay và phương pháp tiếp cận. Lúc này, chúng chỉ cần chờ đợi ở vị trí mà chắc chắn con mồi sẽ rơi vào và "thưởng thức" chúng.
2. Đôi mắt "siêu thị giác" nhạy hơn siêu nhân
Hầu hết mắt của các loài côn trùng đều rất lớn và cấu tạo bởi nhiều vật kính nhỏ ghép lại với nhau, gọi là mắt kép. Mắt chuồn chuồn được ghép bởi 300.000 vật kính (giống như thấu kính) trong mỗi con mắt.
Mỗi vật kính thu nhận một hình ảnh riêng, bộ não của chuồn chuồn có 8 đôi tế bào thần kinh thị giác có nhiệm vụ kết hợp hàng nghìn hình ảnh lại với nhau để tạo nên một hình ảnh tổng thể, toàn diện nhất.
Nó có nghĩa là tầm nhìn của chuồn chuồn lên đến 360 độ và chúng có thể nhìn thấy bất kỳ vật gì đến gần chúng, ở bất cứ góc độ. Đây là “vũ khí” lợi hại của chúng trong quá trình săn mồi cũng như thoát khỏi kẻ thù.
Tỉ lệ thành công trong những cuộc săn mồi của chuồn chuồn là 95%, cao hơn rất nhiều so với sư tử và cá mập. Một khi đã trở thành mục tiêu của chúng thì con mồi khó có thể chạy thoát.
3. Chuyển động cánh linh hoạt "gió chiều nào, theo chiều nấy"
Một trong những đặc điểm khác biệt nhất của chuồn chuồn là cách đôi cánh của chúng hoạt động. Bốn cánh hoạt động độc lập với nhau, cho phép chúng di chuyển một cách linh hoạt nhất.
Chúng có thể bay về phía trước, phía sau, sang ngang hoặc thay đổi hướng bất cứ khi nào. Chuồn chuồn thậm chí có thể bay lộn trong những trường hợp cần thiết.
4. Giao phối kiểu "tàu nhanh, tàu siêu tốc"
Hầu hết các loài động vật thường có xu hướng tán tỉnh bạn tình của mình trước khi chúng giao phối, nhưng chuồn chuồn thì khác.
Thông qua cách bay, con đực sẽ xác định con cái đó có cùng loài với mình hay không. Sau khi xác nhận, chuồn chuồn đực tiến hành giao phối với con cái đầu tiên mà chúng gặp.
5. Ấu trùng cũng biết săn mồi
Giống như nhiều loài côn trùng, chuồn chuồn bắt đầu cuộc sống với giai đoạn ấu trùng. Ấu trùng chuồn chuồn, hay rầy non, sống dưới nước. Chúng di chuyển bằng cách bắn ra các tia nước từ trực tràng của mình.
Một số loại chuồn chuồn phải sống dưới hình thái ấu trùng như thế này trong khoảng 5 năm, trước khi sống một cuộc sống ngắn ngủi từ 6-7 tháng như những con chuồn chuồn trưởng thành.
Sống trong nước, những ấu trùng này cũng săn các côn trùng nhỏ và ấu trùng khác để làm thức ăn, đặc biệt là ấu trùng muỗi. Thậm chí có những giai đoạn ấu trùng chuồn chuồn sẽ ăn nòng nọc và cá bảy màu.
Theo Kênh 14