Tìm hiểu loài đỉa đỏ khổng lồ mới phát hiện ở Indonesia
Mới đây, các nhà khoa học đã phát hiện sự tồn tại của loài đỉa đỏ khổng lồ ở Indonesia. Chúng được đặt tên khoa học là Mimobdella buettikoferi.
Các nhà khoa học khẳng định, chúng là loài đỉa lớn nhất thế giới. Sự kiện này gây chú ý mạnh mẽ từ dư luận. Chúng được người dân địa phương gọi là đỉa đỏ Kinabalu vì loài này có màu đỏ hoặc cam rất đặc trưng, khác hẳn với họ hàng của chúng.
Đỉa đỏ khổng lồ Kinabalu là loài đặc hữu của khu rừng Kinabalu, Borneo, thuộc Indonesia, nơi có độ cao từ 2500 - 3000m. Khác với họ hàng của chúng, thường chỉ dài khoảng 3cm - 7cm và sống dưới nước, nơi sình lầy, đỉa Kinabalu lại sống trên cạn.
Đỉa đỏ Kinabalu có chiều dài lên từ 30cm-40cm, thậm chí có thể lên đến 1m. Bất cứ ai gặp chúng đều vô cùng khiếp sợ, ám ảnh. Chúng thường trú ngụ dưới lớp lá mục, các vách đá ẩm. Sau mỗi trận mưa lớn đỉa đỏ Kinabalu bò ra khỏi nơi trú ẩn để kiếm ăn.
Mặc dù nhìn chúng có cảm giác hãi hùng, nhưng đỉa Kinabalu vô hại với con người. Chúng không hút máu động vật như họ hàng của chúng. Đỉa Kinabalu sinh tồn bằng cách ăn loài giun đất xanh khổng lồ.
Với chiều dài khoảng 30cm, nhưng đỉa Kinabalu lại có thể xơi tái một cá thể giun xanh dài gần gấp 3 lần chiều dài cơ thể chúng. Đây là điều vô cùng đặc biệt trong thế giới động vật. Đỉa đỏ khổng lồ "chén" con mồi như cách của loài trăn.
Hiện thông tin về loài đỉa khổng lồ vẫn rất ít. Các nhà khoa học đang cố gắng quan sát, ghi chép để sớm có nhiều thông tin hơn nữa về loài đỉa đặc biệt này.