Một chiếc càng hóa thạch khổng lồ của một con bọ cạp biển dài 2,5m mới được phát hiện ở một mỏ đá ở Đức. Sinh vật 390 triệu tuổi này có thể từng sống ở một con sông hoặc đầm lầy. Kích cỡ của con quái vật có tên là Jaekelopterus rhenaniae cho thấy các loài nhện, côn trùng, cua và những sinh vật tương tự thời cổ đại có thể đã to hơn rất nhiều so với suy nghĩ trước đây.
(Ảnh: BBC)
Riêng chiếc càng đã dài tới 46 cm cho thấy chủ nhân của nó phải lớn bằng cả con người. Nhìn chung, nó vượt kỷ lục của bất cứ con bọ cạp biển nào được biết từ trước tới nay.
Bọ cạp biển là tổ tiên đã bị tuyệt chủng của những con bọ cạp trên đất liền ngày nay và cả các động vật lớp nhện khác. "Con bọ cạp to nhất ngày nay dài gần 30 cm. Bạn có thể hình dung Jaekelopterus rhenaniae to như thế nào", tiến sĩ Simon Braddy tại Đại học Bristol, Anh, cho biết.
Loài sinh vật này tồn tại vào thời kỳ trái đất có hàm lượng oxy trong bầu khí quyển lớn hơn rất nhiều so với bây giờ. Và chính hàm lượng oxy cao như vậy đã khiến cho các loài không xương sống có kích cỡ khổng lồ, bao gồm cả gián, bướm và rết.
"Tuy nhiên, nếu bạn to thì bạn rất dễ dàng bị phát hiện và trở thành miếng mồi ngon. Vì vậy, bà mẹ tự nhiên sẽ không ưu tiên kích cỡ to - bạn cần phải nhỏ để có thể lẩn trốn", Braddy nói.
(Ảnh: Reuters)