10 loài sinh vật biển đáng sợ nhất

 Dưới mặt nước xanh thẳm có vô số các sinh vật nguy hiểm, từ các sinh vật to lớn với sức mạnh ghê gớm cho đến các sinh vật bé nhỏ với vũ khí tự vệ lợi hại. Dưới đây là 10 loài sinh vật nguy hiểm nhất của đại dương đăng trên tạp chí khoa học Livescience.

Cá chình biển 
 
 
Có một cơ thể giống rắn, cái miệng nhô ra và quai hàm rộng. Sinh vật nguyên thủy này thực sự trông giống Thần chết. Cần biết rằng, nó là một loài cá và nó có thể dài đến gần 2,5m. 
 
Theo Cục quản lý Đại dương và Khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA), một vết cắn từ hàm răng sắc bén và quai hàm đầy sức mạnh từ loài cá chình sẽ tạo ra một vết thương xơ xác mà có thể gây ra nhiễm trùng bởi vi khuẩn từ trong miệng loài cá này. 
 
Cá chình thường ẩn nấp trong các khe hay hốc đá trong suốt cả ngày, chúng săn mồi vào ban đêm. Chúng ăn mọi loài cá hay các sinh vật khác mà có thể bắt được. 
 
Một vài chuyên gia ở NOAA đã đưa ra lời khuyên để tránh bị loài cá này cắn phải, đó là đừng cho tay của bạn vào các khe hay hốc đá dưới mặt biển và không bao giờ cho loài cá này ăn. 
 
Sư tử biển 
 
 
Sư tử biển là loài thông minh, có thể huấn luyện và là sức thu hút lớn trong các rạp xiếc, nhưng nhiều khi chúng cũng có thể cắn con người, vì đây là loài cực kỳ phân biệt lãnh thổ.
 
Ở California, sự gia tăng các cuộc tấn công của sư tử biển đã được báo cáo tại các bãi biển Manhattan, Newport và tại San Francisco năm 2006, nó trở thành mối bận tâm của các nhà khoa học. Một vài nhà nghiên cứu nghi ngờ các chú sư tử biển có thể đã ăn phải cá bị nhiễm độc dẫn tới hành động hung dữ. 
 
Thành phố San Diego đã đăng cảnh báo trên trang web của họ rằng: “Giống như mọi sinh vật hoang dã khác, tính nết của sư tử biển và hải cẩu cũng không thể dự báo trước được. Chúng có răng sắc nhọn và có thể cắn, nhất là khi chúng căng thẳng hoặc bị dồn vào thế bí”. 
 
Cá đuối gai độc 
 
 
Cái chết của Steve Irwin, người dẫn chương trình “Crocodile Hunter” (Săn cá sấu) và là một trong những nhà hoạt động cho động vật hoang dã nổi tiếng thế giới vào năm 2006, chính là do loài cá đuối gai độc gây nên. Vụ việc này đã khiến cho người anh em của cá mập này được biết tới như một loài hung hăng, nguy hiểm nhất. 
 
Cái đuôi dài 20cm của loài cá này như một lưỡi mác lởm chởm. Chúng trở nên cứng, nhọn khi cá đuối cảm nhận mối nguy hiểm, ngoài hình thù răng cưa giống như một chiếc dao ăn đuôi cá đuối còn chứa nọc độc có thể làm chết cả các loài động vật ăn thịt khác. 
 
Theo phòng thí nghiệm Mote Marine ở Sarasota, Florida, Mỹ: “Nọc độc của các đuối gai độc là một loại độc tố dựa trên protein ở mức độ lớn mà có thể tạo ra sự đau đớn khủng khiếp cho các động vật có vú và có thể cũng làm thay đổi tần số tim đập và hô hấp". Rất may, các chú cá đuối gai độc ít khi chọn loài người là mục tiêu tấn công. 
 
Cá sấu 
 
 
Các chú cá sấu nước mặn đã khẳng định được vị trí của mình như là một trong những loài động vật dữ tợn nhất trong thế giới hoang dã. 
 
Chúng có thể phát triển dài đến hơn 6m và nặng hơn một tấn. Chúng được biết đến là kẻ săn mồi hung tợn đối với biết bao loài động vật gồm: khỉ, kangaroo, bò rừng, trâu và thậm chí là cả cá mập. 
 
Hoàn toàn dựa vào cơ thể, cá sấu có thể kéo lê xuống nước cả những con trâu rừng to lớn. Sử dụng phương pháp tấn công sở trường gọi là “death roll”, các sấu giết con mồi bằng cách ngoạm bộ hàm của nó vào cơ thể con mồi và sau đó xoay vòng lộng lộn để bẻ gãy các khớp xương của kẻ xấu số. Kĩ thuật này cũng được dùng để chiến đấu với các loài động vật lớn khác. 
 
Cá sư tử 
 
 
Phổ biến trong các bể cá gia đình, cá sư tử chưng diện một bộ nan quạt các gai độc rất sặc sỡ. 
 
Theo NOAA, mặc dù không gây nguy hiểm đến tính mạng con người, nhưng những chiếc gai độc của loài cá này cũng tạo ra phát đốt đau đớn có thể dẫn đến đau đầu, nôn mửa và khó thở. 
 
Tình trạng xấu nhất của vết thương thường chỉ tồn tại trong khoảng một giờ, nhưng cũng có những trường hợp bị đau và có cảm giác ngứa đến cả một tuần. 
 
Bên trong các bể cá cảnh, cá sư tử rất hiền lành còn ở môi trường tự nhiên chúng thực sự là một sát thủ. Loài cá này có khả năng sinh sản tốt và bản tính hung hăng, thức ăn của chúng là các loài cá nhỏ hơn. Ở nhiều nơi chúng đã lấn lướt nhiều loài sinh vật biển khác. 
 
Rắn biển 
 
 
Nỗi sợ hãi bẩm sinh của con người về loài rắn đã đẩy loài động vật trườn trong nước này vào trong danh sách. Tuy nhiên, sự thực thì các loài rắn biển chỉ là bản sao của các loài rắn độc trên mặt đất. 
 
Các loài rắn biển vẫn có họ hàng với rắn hổ mang bành nên nó biết khi nào thì mới cần dùng đến nọc độc. Một phát cắn của rắn biển làm tê liệt và giết chết con mồi trong vài giây. Cách tấn công này thường thấy trong việc săn cá chình, tôm và các động vật khác. 
 
Cá nóc 
 
 
Cá nóc là nguyên nhân dẫn đến rất nhiều các trường hợp tử vong ở con người, tất cả đều là do ngộ độc khi ăn chúng. Chất độc của cá nóc là tetrodotoxin (một loại độc tố thần kinh có công thức C11H17N3O3) còn mạnh hơn cả xianua. 
 
Độc tố cá nóc là chất có hoạt tính sinh học được nhiều nước trên thế giới nghiên cứu, đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Chúng được dùng chủ yếu trong y dược, đặc biệt có một loại thuốc được làm từ chất độc của cá nóc đã được kiểm nghiêm có thể điều trị các triệu chứng trong cai nghiện ma túy. 
 
Cá đá 
 
 
Loài cá này đứng thứ ba trong danh sách các loài cá nguy hiểm bởi hai lí do: nó là một trong các sinh vật dưới nước tiết ra nọc độc mạnh nhất, và nó còn là bậc thầy của nghệ thuật ngụy trang. Loài cá này thường ẩn mình trong các dải đá ngầm hoặc giữa các rặng san hô trông không khác gì một hòn đá thật. 
 
Cá đá không hay tấn công, nhưng con người cần tránh dẫm phải nó. Những chiếc gai chứa nọc độc của nó thường dùng để phòng vệ trước sự tấn công của cá mập hay các loài động vật ăn thịt khác. Nọc độc của nó gây sốc hay tê liệt tạm thời, nhưng cũng có thể dẫn tới chết người nếu không được chữa trị kịp thời. 
 
Cá mập 
 
 
Chắc chắn không thể bỏ qua loài cá mập trắng, kẻ săn mồi vĩ đại của đại dương khi nói về những động vật nguy hiểm dưới đại dương. Dù rằng, trên thực tế, cá mập bị giết nhiều hơn là con người bị cá mập ăn thịt nhưng đây vẫn là loài gây nên nỗi sợ hãi tự nhiên với loài người. 
 
Cá mập ăn mọi thứ: cá, hải cẩu, chim, mực ống, cá mập con, cá heo… thậm chí cả những đồ đạc trôi nổi trên biển như chiếc lốp xe cũ. Chúng có thể dài đến 5,5m nặng cả tấn. 
 
Cá mập được thấy ở nhiều vùng biển ôn đới và nhiệt đới, chúng thường sống phổ biến quanh các đảo ở trung tâm Thái Bình Dương. Loài cá mập trắng được coi là loài hung dữ và hiếu chiến nhất trong họ hàng nhà cá mập. 
 
Sứa hộp 
 
 
Loài sinh vật sền sệt này mới chính là nỗi đáng sợ chết người ghê gớm nhất, hơn cả loài cá mập. 
 
Chưa có một công bố chính thức nào nhưng đã có rất nhiều các chứng cớ và thống kê cho thấy hàng năm có đến hạng chục hoặc hàng trăm các trường hợp chết người gây ra bởi loài sứa hộp mà sống tại mọi vùng biển trên thế giới. 
 
Theo Quỹ Khoa học quốc gia Mỹ, khoảng 20 đến 40 người chết do bị sứa hộp đốt mỗi năm ở Philippines và họ đã tuyên bố “tai ương từ loài sứa hộp có thể được coi là nghiêm trọng”. 
 
Một con sứa hộp Australia có thể có hàng tá xúc tu, mỗi cái dài trên 4,5m, với lượng độc tố có thể giết chết 60 người. Cái đốt của một con sứa hộp Chironex fleckeri có thể giết một người trong vòng ba phút. Các loài sứa hộp ở Hawaii, Florida và các vùng khác của nước Mỹ thì có thể gây ra suy tim.

(Theo Báo Đất Việt)

Bài cùng chuyên mục

  • Nước mắt cá sấu giúp tiêu hóa thức ăn

    Nhiều quan sát đã chứng tỏ rằng cá sấu và một số loài cùng họ của chúng thực sự có nước mắt, nhất là khi chúng đang xâu xé con mồi. Nhưng các nhà khoa học vẫn chưa thực sự tìm ra được nguyên nhân giải thích hiện tượng này.

  • Nước mắt cá sấu vẫn còn gây tranh cãi

    Các quan sát cho thấy cá sấu và họ hàng gần gũi của nó thực sự nhỏ lệ, kể cả khi chúng lao vào xé toạc con mồi. Nhưng các nhà khoa học vẫn chưa hiểu rõ vì sao.

  • 10 sát thủ đáng sợ nhất đại dương

    Mực ống khổng lồ, cua vua, cá đá là ba trong số những loài động vật nguy hiểm nhất giữa trùng khơi.

  • Loài cá có hai bộ răng

    Hàm răng sắc nhọn là vũ khí lợi hại của cá chình Moray, nhưng chúng còn "giấu" một hàm răng nữa trong cơ thể.

  • Tìm hiểu loài động vật không não biết "hắt hơi" như người

    Nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Canada chỉ ra, loài động vật không não - bọt biển biết "hắt hơi" như con người.

  • Lưỡi câu thiên nhiên

    Cá ép có tên khoa học là Echeneis naucrates, thường phân bố ở những vùng nước ấm áp thuộc Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Nếu như không đang gắn chặt chính bản thân mình vào một vật chủ, thì chúng thích bơi tự do ở những nơi gần bờ, những nơi có nước hơi mặn, hay quanh các vỉa san hô.

 
 

  • Thiết kế web

    www.webdesign.vn

    Giải pháp công nghệ phát triển web trực tuyến chuẩn SEO mạnh nhất thế giới hiện nay...

  • Tin kinh tế

    www.tinkinhte.com

    Tin kinh tế, tài chính, chứng khoán, nhà đất, công nghiệp, doanh nghiệp, giao thương,...

  • Tin sức khỏe

    www.tinsuckhoe.com

    Chăm sóc sức khỏe, sức khỏe gia đình, thông tin thuốc, phòng khám, nhà thuốc,...

  • Tin khoa học

    www.tinkhoahoc.com

    Tin khoa học, công nghệ, Hi-Tech, khoa học hình sự, huyền bí, thế giới động vật,...

  • Tin pháp luật

    www.tinphapluat.com

    tin pháp luật, Hình sự, kinh tế, văn bản luật, mẫu văn bản, luật sư, tư vấn luật,...

Khám phá thế giới động vật, động vật hoang dã: Khủng long, Rắn chuông, Sư tử châu phi, Chó ngao, Đại bàng, Cá mập,...

Trang chủ   |   Liên hệ   |   Tài trợ - Quảng cáo    |   RSS

Copyright 2014 -   thegioidongvat.net

Hotline: 0983 006 168   |   Email: thegioidongvat.net@gmail.com

Đề nghị đặt liên kết và ghi rõ nguồn "Thế giới động vật .net " khi bạn trích dẫn, đăng lại thông tin từ thegioidongvat.net.