Những 'sát thủ' tí hon đáng sợ dưới đáy biển
Mọt biển Gribble, tôm "khung xương", rận cá voi... là những sinh vật có vẻ ngoài bình thường nhưng được coi là "sát thủ" của đại dương.
Thế giới sinh vật vô cùng phong phú và đa dạng. Những sinh vật dưới đây mặc dù có vẻ ngoài bình thường nhưng cũng được coi là “sát thủ” dưới đáy biển. Cùng điểm qua một vài loại động vật biển đáng sợ theo danh sách của trang Listverse.
1. Mọt biển Gribble
Mọt biển Gribble thường sống theo đàn, sâu dưới đáy biển. Ở độ sâu này, mật độ thức ăn rất thấp. Bởi vậy, các nhà sinh học không biết chúng lấy chất dinh dưỡng từ đâu. Qua tìm hiểu, họ đã phát hiện ra, loài sinh vật này thường bơi lên phía trên, ăn các mảnh gỗ. Chúng còn bị coi là mối đe dọa của các tàu gỗ.
Mọt biển Gribble có cơ thể gần như trong suốt có ánh màu trắng vàng, dài từ 1 - 4mm, con trưởng thành có thể dài tới10mm.
Nghiên cứu sâu hơn, các nhà khoa học phát hiện những enzyme có khả năng tiêu hóa gỗ trong cơ thể chúng. Nhờ những enzyme này mà chúng có thể thưởng thức nhiều mảnh gỗ chìm xuống đáy đại dương.
Không dừng lại ở đó, mọt biển Gribble còn được nhiều chuyên gia ĐH York và ĐH Portsmouth (Mỹ) chú ý bởi loại enzyme mà nó sản sinh trong quá trình tiêu hóa thức ăn có tác dụng biến gỗ thành đường. Phát hiện này có thể giúp các nhà khoa học tìm ra được nguồn cung cấp sinh học tái tạo và nhân rộng trong tương lai.
2. Tôm “khung xương”
Tôm "khung xương" có tên khoa học là Caprellidae. Chúng là một loài động vật giáp xác có hình dáng khá lạ với những chiếc chân hình móc câu, thân hình mỏng manh. Loài tôm này được tìm thấy nhiều ở tầng nước giữa và sâu ở vịnh Chesapeake (thuộc Đại Tây Dương).
Loài tôm "khung xương" này chủ yếu ăn tạp, chúng ăn tảo cát, mảnh vụn, hay ấu trùng giáp xác. Một số loài tôm "khung xương" ăn thịt sẵn sàng đợi con mồi lớn đi qua - như bọ ngựa và chộp lấy.
Sau khi giao phối, toàn bộ số trứng sẽ được con cái chăm sóc, bảo vệ bằng một cái túi trong suốt ở bên bụng. Tuy nhiên, điểm đặc biệt ở loài tôm "khung xương" này là con cái có thể giết chết và ăn thịt bạn tình ngay sau khi giao phối. Ở một số loài, con cái sẵn sàng tiêm "đối tác" một lượng nọc độc từ một móng vuốt độc của mình.
3. Rận cá voi
Đây là loài chân đốt lớn nhất sống ký sinh trên cơ thể của các loài động vật có vú dưới biển. Chúng thường bám vào các vết nhăn, sẹo trên cơ thể cá voi và cá heo.
Chúng không gây hại gì cho cơ thể vật chủ bởi chỉ ăn da chết và tảo trên cơ thể mà thôi. Tuy nhiên, rận cá voi đôi khi cũng được coi là "sát thủ", bởi chúng được tìm thấy trong các tổn thương ở da, bộ phận sinh dục, lỗ mũi và đôi mắt của các động vật biển có vú.
Rận cá voi có chân khá đặc biệt gồm 3 đôi chân. Chúng phát triển, nhô cao lên trông như những móng vuốt. Điều này sẽ giúp giống dễ dàng bám vào vật chủ hơn. Chiều dài của rận cá voi dao động từ 5 - 25mm tùy thuộc vào loài.
4. Tôm súng lục
Sở dĩ loài tôm này có tên là súng lục bởi chúng săn mồi bằng cách dùng càng tạo ra một phát đạn bong bóng đủ để giết chết con mồi. Chúng quả là đối thủ cạnh tranh đáng gờm với những con cá voi khổng lồ với danh hiệu “kẻ ồn ào nhất đại dương”.
Bằng cách kẹp càng lại, chúng tạo ra một bóng khí nổ mạnh ở khoảng cách 4cm từ càng. Khi rời khỏi càng, bóng khí này lao đi với tốc độ 97km/h và tạo ra tiếng nổ đủ để làm tê liệt rồi giết chết những con cá nhỏ.
Tôm súng lục có tới hơn 600 loài, thường sống ở các dải san hô. Chúng là những kẻ ồn ào nhất đại dương do không chỉ dùng “súng lục” để săn mồi mà còn dùng nó để “trò chuyện”.
Theo Kenh14