Nhiều loài động vật hoang dã đã phải bỏ mạng bởi không ít người tin rằng, sừng tê tê, xương hổ, mật gấu... là những phương thuốc "tiên".
Không ít người công nhận rằng, việc buôn bán động vật hoang dã là một ngành kinh doanh kiếm lời bởi doanh thu có lên tới cả tỷ đô la mỗi năm. Đây thực sự là con số không tưởng và không ít người bạo gan đã móc nối với nhiều tổ chức để buôn bán động vật hoang dã kiếm lời.
Nhằm ngăn chặn tệ nạn này, nhiều biện pháp ngăn chặn đã được đưa ra. Tuy nhiên bạn có biết, mỗi năm, các chế phẩm từ động vật hoang dã vẫn xuất hiện trên những bàn tiệc xa xỉ hoặc trong những phương thuốc “tiên” chế từ sừng tê giác, ngà voi, mật gấu…
Theo một nghiên cứu mới công bố năm 2014, 100.000 chú voi châu Phi và 1.200 tê giác Nam Phi đã bị giết trong vòng 3 năm, trong khi đó 30% giao dịch lâm sản trên toàn cầu có nhiều khả năng là diễn ra bất hợp pháp.
Cùng “phanh phui” những tội ác và điểm danh những loài thú hoang dã đang ngày giờ bị đe dọa bởi con người.
1. Hổ Bengal
Hổ Bengal là phân loài hổ phổ biến nhất và cũng là loài hổ lớn thứ 2 trong số các phân loài hổ còn tồn tại. Chúng có bộ lông màu da cam với những sọc màu nâu hoặc đen nhưng mỗi con hổ lại có những đường vằn được bố trí ở những vị trí khác nhau, điều đó làm cho mỗi con hổ có những bộ lông khác nhau tương tự như việc con người không ai có cùng dấu vân tay.
Cá thể hổ Bengal hiện tại đã bị thu hẹp, chỉ còn khoảng 2.200 con và được xếp vào Sách Đỏ của Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên thiên nhiên (IUCN).
Trong hình là một chú hổ Bengal tình cờ đi lang thang trong khu Vườn Quốc gia Karizanga - Ấn Độ và được máy ảnh "chộp" lại.
2. Cá ngừ vây xanh
Cá ngừ vây xanh hiện đang được liệt vào loại cá quý hiếm, được các chủ nhà hàng, khách sạn truy tìm ráo riết để phục vụ các thượng đế. Được cho là loài sinh vật có thịt thơm ngon và bổ dưỡng, số lượng cá ngừ trên toàn cầu bắt đầu giảm từ thập niên 1960.
Các phương pháp đánh bắt cá mới được áp dụng đã phần nào dẫn đến tình trạng loài này bị đánh bắt quá mức, bất chấp các khuyến cáo được chuyên gia đưa ra nhằm cân bằng môi trường sinh thái và tạo điều kiện cho chúng sinh sản.
Không những cá trưởng thành bị đưa lên đĩa mà ngay cả ổ trứng của cá ngừ vây xanh cũng được coi là "mỹ vị" khi kết hợp với cơm sushi - món ăn nổi tiếng của Nhật Bản. Và đất nước Mặt trời mọc này cũng là thị trường tiêu thụ cá ngừ lớn nhất trên thế giới.
3. Tê tê
Bạn có thể tìm thấy tê tê - loài động vật có vú với chiếc lưỡi dài này trên khắp lục địa Âu - Á và châu Phi. Có dáng vẻ nhút nhát và được mệnh danh là "quả thông biết đi" do khi ngủ chúng thường cuộn tròn mình lại, nhưng nhiều người tin, vảy tê tê là một loại dược liệu quý.
Vảy tê tê giúp bổ tuần hoàn, tăng tiết sữa cho phụ nữ sau sinh hay chữa được ung thư. Nhưng trên thực tế, vảy tê tê có bản chất là keratine - chất cấu tạo nên tóc, móng tay móng chân của các loài động vật nói chung, kể cả con người.
Không ít người còn đồn đại rằng, thịt và mật tê tê có thể chữa được bệnh lao và một số bệnh khác về phổi. Tuy nhiên, chưa có bất cứ một chứng minh khoa học nào khẳng định những lợi ích của việc ăn hay sử dụng các bộ phận từ tê tê. Vậy mà, số lượng tê tê vận chuyển bất hợp pháp hàng năm lên tới 10.000 con (theo số liệu của tổ chức IUCN).
Còn theo tổ chức Annamiticus, con số trên chỉ phản ánh được 10 - 20% số lượng tê tê buôn lậu trên thực tế. Họ ước tính rằng, mỗi năm số lượng tê tê bị săn bắt lên tới 116.990 - 233.980 con.
4. Gấu
Đây là hình ảnh một chú gấu ngựa nằm duỗi tứ chi trên nhà trong khi đang bị hút lấy mật. Các trại nuôi gấu với mục đích thương mại ngày ngày vẫn hoạt động công khai ở một số nước châu Á.
Những tưởng sau nhiều nỗ lực và dự án bảo vệ động vật hoang dã, số lượng săn bắt gấu tự nhiên sẽ ngày một giảm bớt nhưng sự thật lại hoàn toàn trái ngược.
Một số trại nuôi vẫn bắt gấu hoang dã về nhốt dự trữ và lượng mật của chúng cũng nhiều hơn gấu nuôi do được sinh sống trong môi trường tự nhiên.
5. Voi Sri Lanka
Trong hình hai chú voi đực đang quần thảo trong Vườn Quốc gia Udawalawe, thế nhưng không bao lâu nữa con người sẽ không còn được chứng kiến những hình ảnh như thế này nữa.
Bọn săn trộm sẵn sàng bắt giết cả trăm con voi để lấy một bộ ngà, phục vụ cho ngành thủ công mỹ nghệ hoặc làm thuốc.
Bên cạnh đó, một số nghi lễ của thổ dân cũng có tục lệ giết voi lấy bộ ngà dâng cho thần linh. Những cuộc tấn công thảm khốc bằng lửa đạn, súng ống đã khiến những chú voi hiền lành chậm chạp không thoát khỏi nanh vuốt tử thần. Số lượng voi hoang dã ước tính có khoảng 30.000 đến 50.000 con.
6. Kền kền Andes
Thần ưng Andes hay Kền kền khoang cổ là một loài chim thuộc họ kền kền tân thế giới, chúng được coi là chúa tể bầu trời Nam Mỹ trong dãy Andes.
Vào thế kỉ XIX, chúng sinh sống trong phạm vi rộng lớn từ Patagonia đến Chile nhưng cho đến ngày nay, phần lãnh thổ đó đã bị thu hẹp đáng kể. Trên thế giới đã từng ghi nhận những cá thể kền kền Andes có chiều dài thân lên đến 2m, nặng 20kg, với sải cánh rộng 4,5m.
Đây là loài chuyên ăn xác thối. Tuy nhiên, sự biến mất của những loài động vật ăn thịt khác trong rừng cũng là nguyên nhân chính khiến số lượng loài này sụt giảm. Hơn nữa, kền kền Andes còn bị bắt về nhốt trong nhà như một loài chim cảnh.
7. Cá voi đầu bò
Hình ảnh của một chú cá voi đầu bò con đang chơi đùa với mẹ được nhiếp ảnh gia Brian Skerry nhanh chóng ghi lại trên vùng biển Đại Tây Dương.
Mặc dù không phải là đối tượng của ngành công nghiệp thủy hải sản nhưng những loài cá voi khổng lồ này lại thường vướng phải những chiếc lưới lớn hay bị móc vào neo tàu đánh cá và chết một cách oan uổng. Mới đây, danh sách của IUCN cũng đã nêu tên loài vật này trong mục cần bảo tồn.
Nguồn: NationalGeographic, Wikipedia
Theo Kenh14