Các nhà nghiên cứu mới đây phát hiện những điểm tương đồng về sự phát triển cảm xúc giữa khỉ con bonobo trong một khu bảo tồn ở châu Phi và các em nhỏ, trong đó loài khỉ này có khả năng điều chỉnh cảm xúc giống như con người.
Hai tiến sĩ Zanna Clay và Frans de Waal đến từ Trung tâm Nghiên cứu Linh trưởng Quốc gia, Đại học Emory, tiến hành nghiên cứu tại khu bảo tồn khỉ bonobo gần Kinshasa, thủ đô nước Cộng hòa Dân chủ Congo.
Các đoạn video phân tích cuộc sống thường ngày của các con khỉ tại khu bảo tồn cho phép hai nhà nghiên cứu đánh giá sự thể hiện cảm xúc của khỉ bonobo cũng như cách chúng phản ứng với cảm xúc của những con khác. Họ phát hiện ra rằng các con khỉ bonobo có thể phục hồi nhanh chóng và dễ dàng sau những biến đổi về mặt cảm xúc.
Ví dụ như sau khi thua cuộc trong một cuộc chiến đấu, những con khỉ có biểu lộ sự đồng cảm với các con cùng loài nhiều hơn. Các con khỉ này cũng thường xuyên thể hiện các hành động tình cảm như chạm, ôm, hôn những con khỉ khi chúng gặp đau buồn.
Con khỉ bonobo an ủi một con khỉ khác sau khi "thua trận". (Ảnh: Zanna Clay)
Xét về mặt di truyền, khỉ bonobo (Pan paniscus), một trong những loài linh trưởng gần gũi nhất với con người, cũng có nhiều điểm tương đồng với con người tương tự như tinh tinh. Khỉ bonobo cũng được coi là loài khỉ lớn có khả năng thể hiện sự đồng cảm rõ ràng nhất.
"Phát hiện này cho thấy loài khỉ bonobo có thể trở thành con vật lý tưởng nhất để thực hiện các so sánh về tâm lý. Bất kỳ một điểm tương đồng cơ bản nào giữa con người và khỉ bonobo đều có thể giúp lần ra dấu vết của tổ tiên chung đã sống cách đây khoảng 6 triệu năm trước", Science Daily dẫn lời Wall cho biết.
Nếu sự thể hiện cảm xúc của khỉ bonobo dự đoán được cách chúng bộc lộ phản ứng với các con khác, điều này có thể gọi là sự điều tiết cảm xúc hay khả năng làm dịu những cảm xúc tức giận hay tránh những tác động gây kích thích. Ở trẻ em, việc điều tiết cảm xúc rất quan trọng cho sự phát triển về mặt nhân cách xã hội.
Khu bảo tồn khỉ bonobo trong nghiên cứu này có nhiều con khỉ là nạn nhân của nạn săn bán thú rừng. Các con khỉ được nhân viên khu bảo tồn chăm sóc thay cho khỉ mẹ từ khi còn nhỏ cho đến khi chúng đủ lớn và được chuyển vào rừng sống với các con khỉ cùng độ tuổi. So với những con khỉ được khỉ mẹ chăm sóc, những con khỉ bị bỏ rơi thường gặp khó khăn hơn trong việc điều tiết cảm xúc, chúng rất dễ cảm thấy khó chịu hơn và thường la hét một vài phút sau khi một trận đấu nào đó diễn ra.
Bằng cách đánh giá cách biểu hiện sự đau khổ và phản ứng với những tác động bên ngoài, các nhà nghiên cứu có thể khẳng định sự điều tiết về mặt cảm xúc là một phần tất yếu của sự đồng cảm. Sự đồng cảm cho phép loài khỉ hiểu những sự đau khổ của những con khác mà không tự làm mình tổn thương, giống như con người. Điều này giải thích tại sao những con khỉ bonobo bị bỏ rơi, từng có những trải nghiệm dễ khiến chúng bị tổn thương, sẽ bị cản trở sự phát triển cảm xúc, khả năng biểu lộ về mặt xã hội kém hơn những con khác.
Đây là phát hiện quan trọng với lịch sử tiến hóa của loài người bởi nó có thể cho thấy các khuôn mẫu biểu lộ cảm xúc xã hội được áp dụng với trẻ em cũng có tác dụng tương tự với loài khỉ. Với việc áp dụng khuôn mẫu này, các nhà nghiên cứu có thể kiểm tra những dự đoán hành vi của các con khỉ trưởng thành.