Độ ẩm thấp, chênh lệch nhiệt độ rất cao giữa ngày và đêm thế nhưng những động vật sa mạc vẫn có thể sống khỏe re vì thích nghi tốt.
Nhu cầu tối thiểu của cuộc sống là nước, vạn vật đều cần có nước mới có thể sinh sôi. Sa mạc Namib là sa mạc cực kỳ khô cằn, lượng nước bốc hơi hàng năm gấp bốn lần so với lượng mưa mà nó nhận được. Thật ngạc nhiên là chỉ với 3-15mm lượng mưa mỗi năm, một số động vật sa mạc ở đây vẫn sống rất thoải mái và nhàn hạ.
Đầu tiên là tắc kè palmato, có tên khoa học là Pachydactylus rangei. Thực đơn chính của nó bao gồm bướm đêm, nhện và dế cồn cát, nó đi săn mồi và ban đêm. Thông qua việc ăn uống, tắc kè palmato nhận được protein và độ ẩm.
Đặc biệt hơn, nó cũng có thể liếm nước đã ngưng tụ trên cơ thể của chính mình do sương mù dày lắng lại vào ban đêm ở sa mạc Namib. Trước khi mặt trời mọc, loài tắc kè này sẽ lẩn trốn vào những đồi cát hoặc sỏi để thoát khỏi sức nóng vượt qua 70 độ C vào ban ngày.
Ngay sau đó là ứng cử viên bọ cạp. Sa mạc Namib cũng là nơi có nhiều bọ cạp. Hầu hết các loài bò cạp hoạt động vào ban đêm, nhưng bọ cạp lông (Parabuthus villosus) hoạt động tự do vào ban ngày. Những con bò cạp trưởng thành có thể đạt đến độ dài 18cm và có thể tồn tại mà không cần bất kỳ loại thực phẩm nào trong vòng 12 tháng.
Bộ áo giáp cứng của chúng được hình thành từ những chất liệu mangan, sắt và thiếc. Để điều chỉnh nhiệt độ cơ thể của mình, chúng sẵn sàng tìm cách ẩn núp trong các nhánh thực vật, bụi cây, tảng đá, hộp bìa cứng... Chúng nhận được lượng nước cần thiết khi giết chết và chén thịt của các con thằn lằn nhỏ, tắc kè hoa con, nhện, các loại côn trùng và cả những đồng loại khác của mình.
Tắc kè hoa chamaeleo namaquensis, đây là một một trong những cư dân nổi bật của sa mạc Namib. Nó được biết đến là một trong những loài tắc kè hoa nhanh nhất trên Trái đất, tốc độ đỉnh cao của nó là 3km/h. Nếu nhiệt độ ban ngày tăng lên trên 30 độ C, tắc kè hoa chamaeleo namaquensis sẽ leo lên một tảng đá hay một bụi cây nhỏ để tránh xa khu vực cát nóng.
Chúng cũng sẽ cố gắng đảm bảo rằng diện tích cơ thể tiếp xúc với ánh mặt trời là ít nhất đồng thời chuyển màu trắng để phản lại ánh mặt trời. Loài tắc kè thông minh này nhận được chất dinh dưỡng và lượng độ ẩm qua những con mồi của chúng như bọ cánh cứng, thằn lằn, rắn nhỏ, thậm chí cả bọ cạp và chuột nhỏ. Khi rảnh rỗi, chúng cũng tìm kiếm nước từ lá cây, được hình thành bằng cách ngưng tụ từ sương mù.
Hầu hết các loài rắn có đôi mắt ở hai bên đầu nhưng tại sa mạc Namib, có một ngoại lệ, loài rắn độc Sidewinder có một đôi mắt rất dị hợm. Đôi mắt của loài rắn này nằm trên đỉnh đầu của nó, điều đó có nghĩa là nó có thể chôn vùi hoàn toàn bản thân vào cát nhưng vẫn có thể nhìn thấy, theo dõi bạn.
Chế độ ăn uống của loài rắn hung thần Sidewinder gồm thằn lằn và tắc kè palmato. Chúng yêu những cồn cát và đã thích nghi một cách rất độc đáo, chúng leo ngang. Các chuyển động quanh co cho phép chúng dễ dàng leo lên mặt dốc của các đụn cát. Khi di chuyển như vậy, hơn 50% cơ thể của chúng không chạm vào cát và nhờ đó chúng có thể di chuyển trên mặt cát rất nóng.
Rắn cát Namib (Psammophis namibensis) là một con rắn rất thon thả và di chuyển nhanh. Hầu hết lượng nước mà chúng hấp thụ được là qua thức ăn.
Tuy nhiên chúng cũng hút những giọt nước rơi xuống lá cây hoặc từ chính cơ thể của chúng khi sương mù dày đặc hoặc từ những trận mưa hiếm hoi. Để điều chỉnh nhiệt độ cơ thể của mình, chúng cũng nấp trong những bụi cây hoặc hang chuột.
Thằn lằn Meroles anchietae, đây là một trong nhiều sinh vật của sa mạc Namib thích nghi cực tốt. Để ngăn chặn ảnh hưởng của những hạt cát nóng bỏng, loài thằn lằn này đã sáng tạo ra một vũ điệu tránh nóng, giúp đôi chân chúng hạn chế tốt nhất thời gian tiếp xúc với cát.
Cư dân sa mạc này tích lũy độ ẩm và duy trì lượng nước trong cơ thể bằng cách uống sương mù đọng lại trên các bộ phận cơ thể của mình. Đặc biệt hơn, trên cơ thể của chúng có hai bàng quang. Một chứa nước tiểu và một chứa nước thường. Những con thằn lằn Meroles anchietae có thể tích trữ một lượng nước bằng 12% trọng lượng cơ thể của nó trong nước trong bàng quang thứ hai. Nếu bàng quang đầy, chúng có thể sống sót một tuần mà không cần nước.
Theo Kiến Thức