Không giống như các loài động vật có vú trên cạn, cá heo chỉ ngủ với một nửa bộ não trong khi nửa còn lại luôn tỉnh táo. Chính vì vậy, chúng có khả năng thức liên tục trong hơn hai tuần. “Nết ngủ” vô cùng đặc biêt này giúp chúng tránh được những bất trắc có thể xảy ra khi ngủ, đặc biệt là sự rình rập của kẻ thù.
“Sau khi thức trong nhiều giờ hoặc tối đa là vài ngày, con người và các loài động vật khác buộc phải ngừng tất cả mọi hoạt động để đi ngủ”, Brian Branstetter, một nhà sinh vật học biển tại Quỹ động vật có vú hải dương quốc gia Mỹ ở San Diego nói. “Tuy nhiên, khái niệm này không tồn tại với cá heo vì nếu như vậy, chúng dễ bị chết đuối hoặc trở thành miếng mồi ngon cho một số loài như cá mập”.
Theo các chuyên gia, cá heo có khả năng định vị bằng tiếng vang, một hình thức sinh học của sonar (hệ thống định vị vật dưới nước bằng âm hoặc siêu âm). Chúng sẽ tự mình phát ra âm thanh và lắng nghe tiếng vọng lại để thăm dò môi trường xung quanh vốn rất tối tăm.
Mô hình mô phỏng trại nổi di động. (Ảnh: Brian Branstetter)
Tiến hành nghiên cứu trên hai con cá heo, nhóm nhà khoa học đã tạo dựng một cái trại nổi di động chứa 8 phần, mỗi phần bao gồm một máy chiếu âm thanh và micro dưới nước. Thông thường, cơ thể cá heo có thể phát ra những tiếng lách cách. Các sóng âm này đi tới vật thể và bị phản xạ trở lại nơi bắt đầu. Chúng sẽ phản ứng dựa trên âm thanh đó. Về cơ bản, 8 phần của trại nổi giữ vai trò như “tấm bia ảo” mô phỏng âm thanh đối tượng.
Kết quả cho thấy cả 2 con sử dụng khả năng định vị bằng tiếng vang với độ chính xác gần như hoàn hảo và không có dấu hiệu suy giảm hiệu suất trong vòng 15 ngày. Người ta cũng không biết được cá heo có thể tiếp tục như vậy trong khoảng thời gian bao lâu. Điều này đòi hỏi những nghiên cứu sâu hơn về mọi hoạt động của chúng thông qua việc áp dụng kỹ thuật điện não đồ (EEG), Branstetter nói.
Phát hiện chi tiết đã được đăng tải trên tạp chí PLoS ONE số ra ngày 17/10 vừa qua.