Trưa 12/8, PGS-TS Lê Xuân Thám, Giám đốc Sở KH&CN Lâm Đồng cho biết, đoàn cán bộ của Sở và Viện Khoa học Tây Nguyên vừa đi khảo sát đàn dê lạ ở Khu du lịch Làng Cù Lần trên địa bàn thôn Suối Cạn, xã Lát, Lạc Dương, Lâm Đồng.
Ông Văn Tuấn Anh, chủ đàn dê cho biết hai năm trước, khi vào vùng đồng bào dân tộc K’Ho ở thôn Long Lanh (xã Đạ Chais, Lạc Dương), ông phát hiện trên đồng cỏ có những con dê hình thù khác lạ. Bà con K’Ho kể rằng những con dê này do dê nhà giao phối với sơn dương (động vật quý hiếm nhóm IB, có tên trong sách đỏ Việt Nam) sinh ra. Chúng được nuôi thả rông, ban đêm tự đào hang để ngủ như sơn dương.
Ông Tuấn Anh liền mua một cặp dê đã trưởng thành về nuôi, sau đó mua thêm một con dê đực thả rông của một hộ người K’Ho ở huyện Đam Rông (Lâm Đồng) về nuôi chung. Hai năm nay, đàn dê nhanh chóng nhân đàn lên 19 con, trong đó có 7 con cái, đa số có hình dáng, màu lông và bờm gần giống sư tử.
Cũng theo ông Tuấn Anh, đàn dê rất dễ nuôi, thích ở rừng, ăn cỏ tạp, đào hang để ngủ, Những đêm sáng trăng , chúng ra khỏi hang và kéo nhau lên đổi gặm cỏ. Điều đặc biệt nữa là chúng rất khỏe, không hề bị bệnh như dê nuôi nhốt và rất nhát, thấy người là bỏ trốn vào hang. Tuy nhiên cũng có lúc chúng khá hung dữ, húc bất cứ ai đến gần; số còn lại thì lại khá nhút nhát,.
Trao đổi với phóng viên, TS Thám nói nhìn bề ngoài đây là đàn dê có hình dáng lạ, lông và bờm rất đẹp, khỏe mạnh, thể hiện tính hoang dã rất cao. Với các yếu tố lông dày, bờm dài, sừng cong…, những con dê này rất gần gũi với động vật hoang dã. Chắc chắn đây là dê lai nhưng chưa khẳng định được là lai với loài gì. Nếu đúng đàn dê có nguồn gốc lai từ sơn dương của rừng quốc gia Bidoup - Núi Bà thì đây là vốn quý, cần phải bảo tồn và phát triển. Sắp tới Sở KH&CN sẽ phối hợp với một cơ quan nghiên cứu ở TPHCM và chủ đàn dê lấy mẫu giám định lại nguồn gien để có cơ sở xác định đây là dê lai với động vật hoang dã hay dê bản địa.
Cán bộ chuyên nghiên cứu động vật hoang dã của Viện nghiên cứu khoa học Tây nguyên cũng cho biết mặc dù đã từng đi khắp các tỉnh ở Tây Nguyên nhưng đây là lần đầu tiên được nhìn thấy đàn dê có hình dáng và màu lông tựa như sư tử thế này. Có thể dùng sinh học phân tử để nghiên cứu di truyền ADN nhằm tìm hiểu nguồn gốc lai của đàn dê này.