Muôn kiểu sinh tồn của động vật khi giá rét
Động vật hoang dã không có những tiện nghi như quần áo hay máy sưởi như con người. Nhưng chúng luôn có cách để sống sót ở những khu vực giá rét nhất.
Dưới đây là một số kiểu chống lạnh trong thế giới động vật:
Áo khoác mùa đông
Một số loài động vật ở xứ lạnh có lớp "áo khoác" để chống chọi với thời tiết khắc nghiệt. Như loài bò xạ hương Bắc Cực có hai lớp lông, một lớp lông tơ mềm bên dưới và một lớp lông dài ở trên ngăn cách chúng với nhiệt độ -46 độ C bên ngoài.
Lớp mỡ dày chính là tấm áo giáp giúp gấu Bắc Cực trải qua mùa đông lạnh giá.
Gấu Bắc Cực có lớp mỡ dày để giữ ấm. Một số loài có bộ lông thay đổi theo mùa, như loài nai đuôi trắng mọc lông dày hơn từ mùa thu để chuẩn bị cho mùa đông lạnh giá.
Những loài xứ lạnh khác như cáo tuyết, triết bụng trắng, chồn ecmin hay thỏ Bắc Cực có thể thay đổi màu lông để hòa lẫn với màu tuyết vào mùa đông.
Cơ chế này đem lại hiệu quả nếu thời tiết diễn biến đều đặn qua các năm. Nhưng nếu tuyết rơi muộn hơn hoặc tan sớm hơn do biến đổi khí hậu thì những động vật này sẽ gặp nhiều khó khăn.
Một báo cáo năm 2016 cho biết, sự thay đổi màu lông của thỏ Lepus americanus không khớp với điều kiện môi trường làm giảm 7% tỉ lệ sống sót của loài này.
Tự đóng băng
Loài ếch rừng, phân bố từ Đông Nam nước Mỹ đến Bắc Cực có thể chôn mình dưới lớp lá cây và tự đóng băng cơ thể. Khi thời tiết ấm áp trở lại, lớp băng quanh loài ếch này sẽ tan chảy mà không gây bất kỳ hệ quả xấu nào.
Sóc đất Bắc Cực có thể hạ nhiệt độ cơ thể xuống dưới mức đóng băng trong khi ngủ đông.
Những con ếch rừng có một cơ chế đóng băng đặc biệt. Chúng có thể sống sót ngay cả khi băng hình thành trên các bộ phân của cơ thể nhờ vào những chất như glucose hay urê, bảo vệ tế bào khỏi bị hư hại
Một số loài thằn lằn, rùa, côn trùng, thậm chí có ít nhất một loài động vật có vú có thể làm được điều này.
Sóc đất Bắc Cực có thể hạ nhiệt độ cơ thể xuống dưới mức đóng băng trong khi ngủ đông. Điều này dựa trên một cơ chế được gọi là "siêu lạnh", khi nhiệt độ cơ thể có thể ở dưới 0 độ C mà không hình thành băng.
Một siêu cao thủ chịu lạnh nữa là loài bọ vỏ cây đỏ Alaska. Trong điều kiện phòng thí nghiệm, loài này có thể sống sót khi nhiệt độ xuống đến -150 độ C.
Đôi chân ấm áp
Hồng hạc thường được thấy nhiều ở vùng nhiệt đới ẩm ướt. Nhưng ba loài hồng hạc châu Mỹ là hồng hạc Chile, hồng hạc Andes và hồng hạc James lại sống ở những hồ nước đóng băng trên các dãy núi cao.
Để giữ cho đôi chân dài, gầy tong teo ấm áp, những con chim hồng hạc có một hệ thống lưu thông máu ngược. Ở đây, máu từ chân trở về cơ thể sẽ được làm ấm bằng máu dịch chuyển từ cơ thể xuống chân. Điều này làm giảm sự mất nhiệt của toàn bộ cơ thể.
Loài chim cánh cụt ở Nam Cực cũng có một cơ chế tương tự để chịu rét, bên cạnh lớp mỡ dày và lông rậm.
Thay đổi màu mắt
Một nghiên cứu năm 2011cho biết, tuần lộc có thể thay đổi kết cấu và màu sắc của mắt theo mùa ở Bắc Cực.Từ vòng cực Bắc trở lên, ánh sáng mặt trời vào mùa hè sẽ bị thay thế bằng đêm kéo dài 24 giờ vào mùa đông.
Phía sau võng mạc mắt tuần lộc có một lớp tế bào tapetum lucidum giúp chúng thích ứng với điều kiện ánh sáng và bóng tối theo mùa. Khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời vào mùa hè, lớp tế bào này chuyển sang màu vàng. Vào mùa đông, lớp tế bào chuyển sang màu xanh đậm.
Các nhà khoa học tin rằng tuần lộc có thể nhìn thấy tia cực tím. Điều này giúp chúng phát hiện gấu Bắc Cực, gia tăng khả năng sống sót trong mùa đông.
Theo Trí Thức Trẻ