Loài chim chinh phục Himalaya
Nghiên cứu mới nhất của các nhà sinh vật học Đại học Bangor, Anh Quốc khẳng định loài chim bay cao nhất thế giới là loài ngỗng đầu sọc châu Á (bar-headed goose), có thể đạt đến độ cao 6.437 mét và vượt qua rặng Himalaya chỉ trong vòng 8 tiếng.
Năm 2009, nhóm nghiên cứu đã gắn máy phát tín hiệu GPS lên mình 25 con ngỗng đầu sọc ở Ấn Độ trước khi chúng bắt đầu chuyến di cư mùa xuân hàng năm đến Mông Cổ và vùng phụ cận Mông Cổ để sinh sản.
Ngỗng đầu sọc chinh phục độ cao 6.437 mét, băng qua rặng Himalaya trong vòng 8 tiếng.
Để đến được đó, các con ngỗng phải bay qua rặng núi cao nhất hành tinh Himalaya nơi có nóc nhà thế giới Everest cao 8.850m. Kết quả theo dõi tín hiệu GPS cho thấy, những con ngỗng bay đạt đến độ cao kỉ lục, gần 6.437 mét trong suốt chặng đường di cư 8.000 km, kéo dài gần 2 tháng.
Những con chim này có thỉnh thoảng nghỉ chân trong toàn bộ hành trình nhưng chúng đã thực hiện chặng đường bay qua Himalaya chỉ trong vòng 8 tiếng liên tiếp không nghỉ. Một người liên tục leo núi ở cường độ khủng khiếp như thế có thể chết vì không thích nghi kịp với khí hậu.
Điều khiến các nhà khoa học bị sốc là ngỗng đầu sọc đạt đến độ cao ngất ngưởng như vậy chỉ bằng cách đập cánh mãnh liệt, không lợi dụng sức gió hoặc vận dụng dòng khí lưu hướng lên trên.
Trưởng nhóm nghiên cứu Charles Bishop, nhà sinh vật học thuộc Đại học Bangor cho biết, “thông thường, hầu hết những loài chim bay cao đều nâng độ cao bằng cách liệng lên hoặc lướt lên nhờ sức gió chứ không dùng sức vỗ cánh” .
Cấu tạo cơ thể của siêu vận động viên môn “bay cao”
Siêu vận động viên môn bay cao.
Theo nhà sinh vật học Lucy Hawkes, đồng nghiên cứu: “Vẻ ngoài của loài ngỗng đầu sọc hoàn toàn không tỏ ra chúng là những vận động viên điền kinh nặng ký”. Tuy nhiên, các nhà khoa học nhận thấy cơ thể của những con chim này có cấu tạo dường như chỉ để chinh phục độ cao sau khi họ tiến hành phân tích sinh lý học.
Họ khẳng định, ngỗng đầu sọc đã trải qua quá trình tiến hóa thể chất rất lâu dài để thích nghi với tập quán di cư đặc biệt như vậy.
Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra trong người loài chim này chứa nhiều mao mạch và các tế bào hồng cầu hơn các loài chim khác. Điều này đồng nghĩa ô-xy sẽ được cung cấp đến các tế bào cơ nhanh hơn.
Hơn nữa, cơ của loài sinh vật bay “dã chiến” này cũng chứa nhiều ti thể hơn các loài chim khác; ti thể là các đơn vị bên trong một tế bào giúp sản sinh năng lượng.
Ngoài ra, loài ngỗng đầu sọc có thể sử dụng mẹo “tăng thông khí”, thở vượt quá những gì cơ thể cần. Không giống con người, ngỗng đầu sọc có thể thở vào và thở ra nhanh đặc biệt mà không bị chóng mặt hay bị ngất.“Bằng cách thở nhanh hơn bình thường như vậy, những con chim có thể dễ dàng tăng lượng ô-xy mà chúng lấy vào máu,” ông Hawkes giải thích.
Ngỗng đầu sọc “đẻ” trước cả Himalaya
Các nhà khoa học đã đặt ra câu hỏi những con chim có thể chọn cách bay về phía đông hoặc phía tây vòng qua dãy núi nhưng tại sao chúng lại chọn cách bay vượt lên trên đỉnh núi. Nhóm nghiên cứu đưa ra hai lý giải. Thứ nhất, có lẽ do bay vòng sẽ tốn thêm thời gian vài ngày, khiến chúng phải đốt cháy nhiều năng lượng hơn.
“Tình huống giống như khi bạn phải đi đến một quầy bán rau quả; có một cầu thang dốc đứng trước mặt và một con đường vòng thực sự dài. Vào một thời điểm đặc biệt, bạn sẽ phải chọn đi cầu thang dốc đứng trước mặt”, ông Hawkes lập luận.
Tuy nhiên, họ cũng đưa ra luận thuyết thứ hai đầy thú vị: Loài ngỗng đầu sọc đã bay thẳng qua Himalaya như vậy từ hàng triệu năm, trước cả khi rặng núi trồi lên đến độ cao như hiện nay theo quá trình vận động địa chất.
Nghiên cứu viên Hawke tiếp tục cho biết: “Ngỗng là loài chim tương đối cổ xưa, và rất có thể khi loài ngỗng đầu sọc mới tiến hóa thành một loài mới, những ngọn núi ở Himalaya chưa cao như ngày nay”.