Vì sao loài chim ruồi tí hon có thể bay lơ lửng bên trên một bông hoa trong thời gian rất lâu?
Douglas Warrick, giáo sư động vật học tại Đại học bang Oregon (Mỹ), đã sử dụng một loại thiết bị cho phép chụp được những khoảnh khắc rất ngắn trong cử động cánh của chim ruồi, khoảng 250 micro giây (một micro giây bằng một phần triệu giây) nhằm phân tích chuyển động của lớp không khí xung quanh cánh chim ruồi và cung cấp thông tin chi tiết về hiện tượng bay của nó.
Ông phát hiện loài chim ruồi nhận 75% lực nâng từ hiện tượng vỗ cánh xuống, 25% còn lại cung cấp từ quá trình vỗ cánh lên. Nói chung, loài chim ruồi có thể xem là dải phân cách giữa một bên là các loài chim (thu được lực nâng từ việc đập cánh xuống) với các loài côn trùng (bay lên nhờ một nửa quá trình đập cánh xuống và nửa còn lại từ quá trình vỗ cánh lên). Lưu ý rằng ở các loài chim khác, lực nâng cơ thể có được 100% nhờ vỗ cánh xuống, trong khi tỉ lệ này ở côn trùng là 50-50.
Douglas Warrick cho rằng thực nghiệm này đã cung cấp một bằng chứng mạnh mẽ về hiện tượng hội tụ sinh học - những loài không có họ hàng với nhau nhưng tiến hóa những đặc điểm giống nhau nhằm khai thác lợi thế của chúng.