Những loài động vật kỳ lạ ở Việt Nam
Thằn lằn bay như chim, cá nhảy như ếch, ếch trườn như giun… không phải là chuyện hiếm gặp trong những khu rừng ở Việt Nam.
Là xứ sở nhiệt đới cận xích đạo, Việt Nam được thiên nhiên ban tặng một hệ động vật đa dạng và phong phú với hàng nghìn loài khác nhau, trong đó, có nhiều loài đặc hữu chỉ có ở Việt Nam.
Sự đa dạng sinh học này cũng được thể hiện qua không ít loài động vật kỳ dị mà nếu được chiêm ngưỡng lần đầu tiên, hẳn không ít người trong chúng ta sẽ cảm thấy kinh ngạc.
Đất Việt xin giới thiệu hình ảnh của một số loài cá, lưỡng cư và bò sát kỳ lạ của Việt Nam, được "nhiếp ảnh gia rừng xanh" Phùng Mỹ Trung ghi lại trong những chuyến đi rừng nghiên cứu về tự nhiên.
Khi gặp nguy hiểm, cá nóc nước ngọt (Chelolodon fluviatilis) phình to ra như một quả bóng trơn nhẫy khiến cho không kẻ thù nào nuốt nổi.
Cá thòi lòi (Periophthalmus schlosseri) có thể khiến nhiều người lầm tưởng là một loài lưỡng cư vì chúng có đôi mắt lồi như loài ếch và có thể di chuyển trên cạn dễ dàng bằng 2 chi trước.
Cóc tía (Bombina maxima) là loài lưỡng cư nổi tiếng với câu ví von “gan lì cóc tía". Khi gặp nguy hiểm, chúng không bỏ chạy mà sẽ uốn cong lưng và các chân, hoặc lật ngửa người ra để lộ phần bụng có màu sặc sỡ nhằm cảnh báo kẻ thù rằng chúng rất độc.
Cái đầu kỳ dị cho thấy ếch gáy dô (Limnonectes Dabanus) là một loài lưỡng cư cổ còn sót lại từ kỷ Phấn trắng.
Có hình dạng giống hệt một con giun, nhưng ếch giun (Ichthyophis bannanicus) lại là một loài lưỡng cư chính hiệu.
Cũng có hình dạng và kích thước gần giống như giun, nhưng đây là một loài rắn với tên gọi là rắn giun (Ramphotypholops braminus).
Với màng da rộng giữa 2 chân, tắc kè bay đốm (Dacro maculatus) có thể bay từ cây này qua cây khác để tìm kiếm thức ăn và lẩn tránh kẻ thù. Chúng cũng là thiên tài trong việc ngụy trang giống y hệt vỏ cây.
Với cái đầu rất to và cái đuôi dài quá khổ, rùa đầu to (Platysternum megacephalum) là một trong những loài rùa… xấu xí nhất trong họ nhà rùa.
Thằn lằn chân ngắn (Lygosoma quadrupes) có những cái chân nhỏ hầu như là vô dụng. Cách di chuyển chủ yếu của chúng là trườn như loài rắn.