Những cuộc di cư ngoạn mục nhất thế giới (2)
Hàng năm trên thế giới, những chuyến di cư dài của động vật hoang không chỉ là những màn trình diễn ngoạn mục của thiên nhiên mà còn là những chuyến phiêu lưu đầy thú vị tạo dấu ấn trong vòng đời của mỗi loài động vật.
5. Dơi, Texas, Mỹ
Vào mỗi tối từ tháng Ba đến tháng Mười, những đàn dơi khổng lồ khoảng 750.000 đến 1.500.000 con từ Mexico bay đến rợp trời trung tâm thành phố Austin, Texas. Chúng là những con dơi lớn nhất vùng Bắc Mỹ.
Mục đích của chuyến đi là tìm thức ăn và ước tính mỗi đêm chúng có thể tiêu thụ số lượng côn trùng lên tới 15 tấn.
Ở Mexico, trước khi bắt đầu di cư, dơi thường đẻ con vào khoảng tháng Sáu đến tháng Bảy. Vào khoảng tháng Tám, cảnh tượng sẽ càng độc đáo và thú vị hơn khi những chú dơi con bắt đầu chập chững tham gia vào cuộc hành trình di cư cùng bố mẹ.
6. Tuần lộc Bắc cực, Bắc Mỹ
Loài tuần lộc Bắc cực Porcupine thường di cư từ Canada và Alaska tới vùng đồng bằng bên bờ biển Bắc cực. Cuộc hành trình của chúng dài tới 1500 dặm. Mục đích của hành trình là tìm kiếm nguồn thức ăn dinh dưỡng.
Số lượng tuần lộc di cư có thể lên đến 100.000 con. Vì thế, chúng luôn là mục tiêu hấp dẫn đối với loài cáo, gấu và loài chồn gulo.
7. Cá mập voi, Mexico
Tuy có kích thước khổng lồ (có con dài hơn 12 mét và nặng hơn 15 tấn), loài cá lớn nhất đại dương này lại rất hiền và thường sống đơn độc. Tuy nhiên, vào mùa di cư, chúng khuấy động cả vùng biển Mexico, hàng trăm con cá mập voi thực hiện hành trình ra khỏi bờ biển phía Đông Mexico và tạo nên cảnh tượng cực kỳ đẹp mắt.
Vào mỗi mùa Hè, những chú cá mập voi có sọc hoặc chấm trắng bơi đến vịnh Mexico từ vùng biển Caribe để ăn các loài phù du. Chúng bơi sát bên nhau để tìm kiếm thức ăn.
Cuộc di cư của loài cá mập voi thường diễn ra từ tháng Sáu đến giữa tháng Chín hàng năm.
8. Chim hồng hạc, Kenya
Giữa tháng Tư và tháng Sáu, hồ Nakuru, Kenya như bùng nổ màu sắc khi tràn ngập những chú chim hồng hạc chân dài kéo đến hồ để tìm kiếm thức ăn.
Trong những năm gần đây, số lượng đàn chim hồng hạc di cư dao động từ khoảng 6.500 đến 250.000 con.
9. Cua đỏ, đảo Christmas, Australia
Mỗi năm hàng triệu chú cua đỏ rời bỏ hang của chúng trên đảo Christmas, Australia để bắt đầu thực hiện một chuyến đi dài về phía biển. Chúng bò xuống từ những vách đá và di chuyển ra bờ biển để đẻ trứng và sau đó chúng lại quay trở lại tổ ấm của mình với những chú cua con mới sinh.
Sự di chuyển đồng bộ giống như một dòng sông màu đỏ thẫm nhấp nhô trên khắp hòn đảo và có thể kéo dài đến 18 ngày.
Sự kiện này thường diễn ra trong tháng Mười hoặc tháng Mười Hai (cua sẽ chỉ di chuyển khi trời mưa) khi thủy triều lên cao và trăng khuyết.
Nguyễn Hảo
Theo Doanh Nhân Sài Gòn