Trong một cuộc khảo sát về thảm thực vật ở dãy núi Mẫu Sơn, Đội cán bộ của Công ty CP Giống lâm nghiệp vùng Đông Bắc đã tình cờ phát hiện ra loài bò sát sống cheo leo dọc các suối nước, khe vũng trên khu núi Mẫu Sơn.
Thiếu nữ người Dao và những con cá cóc mới bắt được (Ảnh: TP, ND)
Xác định ban đầu là loài lưỡng cư, có đuôi, Đoàn đã mang loài bò sát này về Hà Nội để giám định. Kết quả thu được thật bất ngờ, đây là loài cá cóc nằm trong Sách đỏ của Việt Nam và cũng là loài duy nhất được công nhận có nhiều điểm giống loài khủng long đã tuyệt chủng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Minh, cán bộ trong Đoàn khảo sát nói: Đến đây, ông thấy lạ vì đến nhà người dân nào cũng có một, hai chiếc lọ ngâm rượu loài bò sát này. Không chỉ ngâm rượu, có một số bà lang (người dân tộc) còn bắt loài này về để làm vị thuốc chữa các bệnh hen suyễn, còi xương...
Qua lời ông Minh, chúng tôi tìm đến dãy Mẫu Sơn ở độ cao hơn 1.500m so với mực nước biển. Chị Hoàng Thị Lảy, nhà ở bản Pắc Đay, xã Công Sơn, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) dẫn di chúng tôi đi sâu vào rừng đến một con suối nhỏ. Không phải chờ đợi lâu, nhìn kỹ xuống dòng nước nhỏ, tôi thấy từng cặp, từng cặp cá "ôm nhau" nổi lững lờ trên dòng nước đục.
Chúng tôi tiếp tục cuốc bộ vào khu vực Thán Dìu, Pắc Đay, Ngàn Pặc... Đến nơi nào, chị Lảy cũng khẳng định ở đó có rất nhiều loài cá này sinh sống. Tuy nhiên, thời gian này bắt đầu có rất nhiều "thợ săn" đổ xô đi tìm bắt...
Một "thợ săn" cùng đi tên Triệu Hùng Sòi cho biết: Lúc đầu tôi chỉ đi bắt con "tắc kè nước" này về cho bố ngâm rượu chữa bệnh. Sau này có người đặt mua một bình rượu ngâm 15 con, giá 150 ngàn. Thấy kiếm được tiền, nhiều người dân sinh sống quanh vùng cũng tranh thủ bắt cá kiếm thêm thu nhập.
Cá cóc được nhà khoa học Bourret tìm ra tại Việt Nam năm 1934. Loài này được Nhà nước đưa vào Sách đỏ Việt Nam, cá cóc thuộc nhóm 1B (nhóm được bảo vệ nghiêm ngặt đặc biệt, cấm khai thác) trong Nghị định 32 của Chính phủ. Tuy nhiên, loài cá này đang đứng trên bờ diệt vong.
Loài cá này có hình dáng thuôn dài, đầu hơi hẹp, mồm rộng, mắt lồi có mí động, lưng mầu nâu, da có gai. Dọc lưng có các gờ lớn, con da mầu đỏ, con da mầu vàng cam rực rỡ. Chân trước có 4 ngón, chân sau 5 ngón, nhìn thoáng rất giống hình ảnh mấy con khủng long được dựng lại bằng vi tính hay chiếu trên truyền hình. Nhòm vào giỏ của anh Sòi, chúng tôi thấy có chừng 20 con "tắc kè nước" đang nằm trong đó. Anh Sòi chia sẻ: không như các loài cá khác, loài này rất "ngây thơ" với tự nhiên nên dễ bắt.
Giáo sư đầu ngành về loài lưỡng cư Lê Nguyên Ngật (công tác ở Khoa sinh học - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) nhận xét: Qua các mẫu cá đưa về, đây chính là loài cá cóc quý hiếm còn sót lại ở Việt Nam. Loài cá cóc này hiện chỉ còn tồn tại ở khu sinh thái Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Vườn quốc gia Xuân Sơn (Thanh Sơn - Phú Thọ) và bây giờ là vùng núi Mẫu Sơn (Lạng Sơn) . Nguy cơ tuyệt diệt loài cá này rất cao, bởi lẽ môi trường sống ngày càng hạn hẹp.