Loài rùa khổng lồ đảo Galapagos và các động vật hoang dã tiêu biểu khác đang phải đối mặt với nguồn bệnh tật mới khi muỗi trên đảo này bỗng nhiên thay đổi nguồn thức ăn sang máu bò sát.
Một số nhà khoa học đến từ đại học Leeds, Hiệp hội Động vật Luân Đôn (ZSL) và khu bảo tồn quốc gia Galapagos đã khám phá ra rằng loài muỗi nước lợ màu đen (Aedes taeniorhynchus) sống trên đảo Galapagos đã chuyển thói quen sang kiếm ăn trên các loài bò sát, chủ yếu trên rùa khổng lồ Galapagos và cự đà biển, trong khi tổ tiên chúng vốn chỉ chuộng máu các loài động vật có vú và một số loài chim.
Phát hiện nói trên đã gây lo ngại rằng những thay đổi này có thể phá hủy sự đa dạng có một không hai của thế giới động vật hoang dã trên quần đảo Galapagos nếu xuất hiện một căn bệnh mới do muỗi làm trung gian. Điều lo ngại đó rất dễ trở thành hiện thực trong bối cảnh khách du lịch ngày một đổ xô tới hòn đảo này.
Với việc sử dụng công nghệ gen, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng loài muỗi này đã sống ở Galapagos từ cách đây 200.000 năm, chứ không phải mới bắt đầu xuất hiện cùng với sự có mặt của con người trên đảo như người ta vẫn nghĩ. Nghiên cứu cũng cho biết khác với các quần thể muỗi trên đất liền thường sống ở rừng đước và đồng muối dọc theo bờ biển, muỗi Galapagos có thể lấn sâu tới 20 km vào đất liền và chiếm lĩnh cả độ cao 700 mét. Nhóm nghiên cứu tin rằng sự thay đổi trong thói quen kiếm ăn nói trên là một cách thích nghi của loài muỗi với cuộc sống trên đảo trong bối cảnh số lượng các loài động vật có vú giảm đi. Điều này bắt đầu xảy ra từ trước khi con người đặt chân tới đảo 500 năm trước.
“Khi bắt đầu công trình nghiên cứu, chúng tôi nghĩ rằng loài muỗi này được đưa đến đây bởi con người, chúng tôi đã rất ngạc nhiên khi phát hiện ra lịch sử lâu đời của muỗi Galapagos,” Arnaud Bataille, nghiên cứu sinh tiến sĩ thuộc đại học Leeds và ZSL, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết. “Những khác biệt về gen của muỗi Galapagos so với họ hàng nó trên lục địa lớn đến mức tưởng như chúng là những loài động vật khác nhau, thực tế này gợi ý rằng rất có thể muỗi Galapagos đang trong quá trình tiến hóa thành một loài mới.”
Rùa khổng lồ đảo Galapagos. (Ảnh: Penelope Curtis)
Muỗi là trung gian truyền bệnh của hầu hết các bệnh nguy hiểm trong đời sống hoang dã, ví dụ như bệnh sốt rét ở chim hay sốt virus West Nile. Trong khi chưa có bằng chứng nào cho thấy những bệnh này hiện đang có mặt ở Galapagos, thì mật độ phân bố dày của loài muỗi này cùng thực tế rằng chúng kiếm ăn trên rất nhiều loài động vật khác nhau ở đảo rất có thể đồng nghĩa với việc bất kì một căn bệnh lạ nào xâm nhập cũng sẽ lan đi nhanh chóng tới nhiều loài khác nhau. Do cách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài, các loài trên đảo Galapagos khó có được khả năng miễn dịch với các bệnh lạ mới xâm nhập, vì thế, ảnh hưởng của những căn bệnh này có thể rất kinh khủng.
“Với lượng khách du lịch ngày một tăng nhanh, đồng nghĩa với việc có thêm nhiều chuyến bay đến quần đảo này, nguy cơ muỗi trên máy bay mang mầm bệnh từ lục địa tới đảo cũng tăng lên,” tiến sĩ Andrew Cunningham thuộc Hiệp hội Động vật Luân Đôn, một trong các tác giả nghiên cứu phát biểu. “Nếu một căn bệnh mới lan tới đảo thông qua cách này, thì những con muỗi Galapagos sẽ nhanh chóng mang mềm bệnh và lây truyền ra khắp mọi ngóc ngách của quần đảo.”
Thay vì thực hiện các biện pháp quản lý đối với loài muỗi Galapagos, nhóm nghiên cứu cho rằng cần phải có những biện pháp ngăn không cho các dịch bệnh mới tiếp cận được quần đảo.
Chính phủ Ecuador mới đây đã đặt ra yêu cầu cho các máy bay đáp xuống Galapagos, buộc các phi cơ này phải có lượng thuốc diệt muỗi còn dư trên các bề mặt bên trong máy bay, và phải tiến hành phun thuốc trong khoang trước mỗi chuyến bay. Đồng thời, biện pháp tương tự cũng đã được áp dụng cho các tàu thuyền cập bến Galapagos.
Tiến sĩ Simon Goodman, thành viên nhóm tác giả nghiên cứu, giảng viên khoa Sinh học của đại học Leeds cho biết: “Điều quan trọng là các biện pháp này phải được duy trì thường xuyên và tiến hành nghiêm ngặt, nếu không hậu quả sẽ thực sự khó lường.”