Những loài động vật có trí thông minh của con người
Với trí thông minh vượt bậc, nhiều loài động vật biết sử dụng công cụ để lấy thức ăn, nấu chín lương thực hay thêm gia vị vào đồ ăn.
Vẹt xám Châu Phi suy luận như con người
Loài vẹt xám châu Phi có với khả năng suy luận tìm ra nơi cất giấu thức ăn, mà chỉ có con người và loài khỉ mới làm được, một nghiên cứu cho biết: "Nó lựa chọn chính xác 23 trong tổng số 30 thử nghiệm. Cho đến nay chỉ loài khỉ mới khả năng thực hiện vấn đề này, nhưng là trong các thí nghiệm dễ hơn, và sử dụng loại cốc nhìn xuyên qua được", Sandra Mikolasch nói.
Đười ươi học dùng lao bắt cá
Nghiên cứu khoa học cho thấy, đười ươi có sức mạnh đáng kể khi thừa sức nâng vật nặng gấp 10 lần trọng lượng cơ thể. Không chỉ vậy, chúng còn là một trong những loài linh trưởng thông minh nhất với khả năng sử dụng các công cụ một cách tinh vi.
Minh chứng rõ nét nhất cho khả năng sử dụng công cụ chính là việc bắt cá bằng lao. Vào năm 2008, nhân viên trong khu bảo tồn động vật trên đảo Kaja ở Borneo đã chứng kiến cảnh loài đười ươi đang treo mình trên những cành cây để dùng lao bắt cá, như những người dân địa phương ở đó hay làm.
Hẳn đười ươi đã quan sát và thấy chúng ta sử dụng công cụ để gây thương tích cho các loài khác. Chúng nhanh chóng học theo, bình tĩnh dùng lưỡi lao sắc nhọn để kết liễu chính xác con mồi.
Tuy nhiên, thật may mắn cho loài người. Sự tiến hóa về thể chất không thể đáp ứng mong muốn của đười ươi. Chính việc thiếu sự khéo léo khiến chúng gần như không thể bắt nổi con cá nào. Nhưng chúng đã có thể tập sử dụng gậy để chọc trái cây trên cành, rụng xuống mặt đất.
Cá heo dùng bọt biển làm mặt nạ
Cá heo hay cá heo mũi chai là loài vật rất thông minh và thân thiện với con người. Chúng ta đã quá quen với hình ảnh những chú cá heo diễn xiếc trong các bể bơi nhưng bạn đã gặp chú cá heo nào biết dùng bọt biển làm mặt nạ chưa?
Chính bởi thường xuyên sục mũi xuống đáy biển để tìm thức ăn nên đôi khi cá heo mũi chăn thường bị một vài sinh vật biển tấn công bởi gai độc, điển hình là cá mặt quỷ.
Bởi vậy, các chú cá heo thuộc Vịnh Cá mập ở Úc đã biết cách gỡ những miếng bọt biển ra rồi "đeo" trước mũi như một chiếc mặt nạ bảo vệ.
Các nhà khoa học chú ý tới hiện tượng này lần đầu vào năm 2005 nhưng một vài nghiên cứu đã chỉ ra, cá heo biết dùng bọt biển làm mặt nạ từ 180 năm trước.
Giờ đây, hơn 1/2 số cá heo ở Vịnh Cá mập biết lợi dụng bọt biển để kiếm ăn, số còn lại dùng những loại mặt nạ khác tương tự như bọt biển.
Loài khỉ Nhật Bản biết thêm gia vị vào đồ ăn và chơi ném tuyết
Con người có lẽ là loài duy nhất ăn uống theo khẩu vị chứ không theo lượng dinh dưỡng cần thiết. Hầu hết các loài động vật khác sẽ nhét hết các thực phẩm vào miệng, miễn là thứ đó không giết chết chúng.
Tuy nhiên, loài khỉ đuôi ngắn ở Nhật Bản lại không quan niệm như vậy. Sự việc bắt đầu vào năm 1953, khi những nhà nghiên cứu ném cho các chú khỉ khoai lang với mục đích thăm dò tập tính ăn của chúng.
Trong quá trình thử nghiệm, Imo - tên của một chú khỉ được các nhà nghiên cứu đặt, đã rửa đồ ăn trong nước mặn với ý định loại bỏ cát.
Nhưng sau đấy, Imo nhận thấy ngâm khoai lang trong nước mặn sẽ làm muối ngấm vào khoai và vị ngon hơn hẳn lúc trước. Imo liền thích thú và hú hét lên với toàn bộ đồng loại ở đó, ngay sau đó, tất cả lũ khỉ đều ướp muối vào khoai để ăn.
Không chỉ vậy, Imo và đồng loại còn biết tiêu khiển thời gian bằng trò ném bóng tuyết - một trò chơi ưa thích của nhiều người trong mùa đông.
Kiến đếm bước chân khi di chuyển
Các nhà khoa học từ lâu đã băn khoăn làm sao kiến có thể tìm đường về nhà giỏi đến vậy bởi chúng hầu như không có não bộ và các tổ kiến thì giống hệt nhau.
Một số người cho rằng kiến dựa vào tín hiệu thị giác nhưng thực nghiệm cho thấy, những chú kiến bị bịt mắt cũng có khả năng định hướng không kém hơn những chú bình thường, thế nên giả thuyết này nhanh chóng bị loại bỏ.
Vài năm trước, các nhà khoa đã kiểm tra một giả thuyết khác. Thông qua “cơ quan sinh học đo lượng quãng đường” kiến sẽ đếm số bước di chuyển của chúng tới một vị trí nhất định.
Giống như người khiếm thị ghi nhớ cách bày trí trong nhà bằng việc nhớ số bước chân khi đi từ phòng này sang phòng khác, kiến sẽ ghi nhớ số bước chúng di chuyển bắt đầu từ hang tổ cho đến khi gặp "mục tiêu".
Các nhà khoa học thử nghiệm giả thuyết này. Đầu tiên, họ huấn luyện những con kiến đi theo một đường thẳng bằng cách đặt thức ăn cách chúng 9m. Sau đó họ loại bỏ thức ăn, những con kiến vẫn di chuyển theo đúng đường thẳng mà chúng vẫn đi đến khi nhận ra không còn thức ăn ở đó, chúng bắt đầu di chuyển vô định xung quanh để tìm kiếm vỏ kẹo hoặc xác động vật.
Điều này chứng tỏ kiến có khả năng định hướng được vị trí thức ăn đang hướng đến nhưng vẫn chưa đủ để khẳng định kiến có khả năng đếm bước.
Các nhà khoa học tiếp tục thực hiện thêm vài thí nghiệm nhỏ. Một số con kiến bị cắt ngắn chân để thu hẹp sải chân; số khác lại được gắn thêm để kéo dài sải chân. Những chú kiến cụt chân đi đủ số bước và dừng lại trước khi tới vị trí của mục tiêu. Những chú kiến mang cà kheo cũng đi đủ số bước nhưng vì sải chân dài hơn nên đã vượt qua vị trí có thức ăn mà không hề dừng lại.
Sau khi quen thuộc với sải chân mới của mình, những con kiến lại bắt đầu tự định hướng được vị trí thức ăn và di chuyển chính xác hơn. Điều này đã chứng tỏ giả thuyết đề ra là chính xác.
Tinh tinh Kanzi có thể tự nấu thức ăn
Ít ai ngờ, không phải chỉ có con người mới biết nấu chín và làm bữa ăn thêm ngon miệng mà chú tinh tinh Kanzi cũng có thể làm được điều như thế.
Tinh tinh Kanzi đang sống ở khu bảo tồn từ thiện ở Iowa (Congo) thuộc loài tinh tinh lùn Bonobo có thể tự mình nấu thức ăn trên đống lửa trại chú tự dựng. Những thanh gỗ được Kanzi cẩn thận thu lượm khắp nơi về xếp thành đống chứ không chỉ đơn thuần vơ từ xung quanh.
Không chỉ vậy, Kanzi còn biết tự nhóm lửa, nấu chín thức ăn đến đúng độ chín. Điều thú vị là Kanzi không được ai dạy mà tự học.
Sau khi quan sát con người làm hàng trăm lần, chú đã bắt chước theo. Giờ đây, Kanzi đang dạy đứa con Teco của mình và có lẽ kỹ năng này sẽ được truyền tiếp nhiều thế hệ tinh tinh tiếp theo.
Sóc giấu lương thực
Sóc biết tạo ra nơi giấu lương thực giả tạo để lừa kẻ trộm. Hành vi này bộc lộ rõ sau khi chúng quan sát thấy con người ăn trộm hạt dẻ của chúng. Loài gặm nhấm còn biết tạo ra bản đồ 3 chiều để nhớ lại nơi mình cất giấu lương thực.
Theo phunutoday/khỏe&đẹp